Bất ổn cào bằng nghĩa vụ thuế
Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNDN và Luật thuế TNDN sửa đổi, mà Bộ Tài chính đang tiếp thu ý kiến hoàn thiện, để dự kiến trong tháng 10 này trình Chính phủ xem xét ban hành, có nội dung đáng chú ý liên quan đến chính sách thuế đối với quỹ hưu trí tự nguyện (HTTN).
Theo đó, Dự thảo đưa ra 2 phương án khi xác định các khoản chi được trừ và không được trừ để nộp vào quỹ HTTN, hoặc quỹ có tính chất an sinh xã hội khi xác định thu nhập tính thuế. Phương án thứ nhất, chi phí không được trừ là phần trích nộp quỹ HTTN, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm HTTN cho người lao động (NLĐ) vượt mức tiền lương, tiền công trả cho NLĐ. Quy định này được hiểu là cho phép DN được trừ khoản chi phí thực tế trích nộp vào các loại quỹ trên. Tuy nhiên, để được loại khoản chi này ra khỏi thu nhập chịu thuế, việc trích nộp cho các loại quỹ trên phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ: hợp đồng lao động; thoả ước lao động tập thể; quy chế tài chính của DN…
Sẽ tăng ưu đãi thuế cho các quỹ HTBS nhằm góp phần cải thiện an sinh xã hội
Với phương án 2, Dự thảo quy định, DN không được trừ phần trích nộp quỹ HTTN, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm HTTN cho NLĐ vượt 3 triệu đồng/tháng/người.
Chưa bàn về mức chi phí được trừ cao hay thấp, điều bất ổn là cả hai phương án đều không có sự phân định rõ ràng đâu là quỹ hình thành từ chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung (HTBS), vốn có đặc thù là không mang tính thương mại và sản phẩm bảo hiểm HTTN, có tính chất thương mại do các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp. Do không có sự phân định rõ ràng này, nên Dự thảo đang cào bằng nghĩa vụ thuế đối với hai loại quỹ.
Tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án triển khai chính sách bảo hiểm HTBS, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề nghị, Dự thảo cần sửa đổi theo hướng phân tách rõ quỹ HTBS và quỹ HTTN. Trên cơ sở đó, cần quy định nghĩa vụ thuế theo hướng tăng ưu đãi cho quỹ HTBS (miễn thuế theo thông lệ quốc tế), bởi đây là chính sách nhằm cải thiện an sinh xã hội; đồng thời giảm ưu đãi thuế đối với quỹ HTTN, sản phẩm thương mại do DN bảo hiểm cung cấp vì mục tiêu lợi nhuận.
Thực ra, khi ưu đãi thuế cho cả quỹ HTBS lẫn quỹ HTTN, Nhà nước phải hy sinh một phần nguồn thu ngân sách. Sự hy sinh này cần được bù đắp hợp lý. Xét ở khía cạnh này, với quỹ HTBS, khi Nhà nước giảm thuế, thì nguồn tiền để lại cho DN và NLĐ để đóng vào quỹ sẽ được trả cho NLĐ, qua đó góp phần giảm gánh nặng tăng chi ngân sách Nhà nước cho trả lương hưu. Nhưng nếu cào bằng ưu đãi thuế cho quỹ HTTN giống như quỹ HTBS, thì Nhà nước phải hy sinh một khoản thu đáng kể, trong khi không được bù đắp tương xứng, bởi phần lợi này sẽ chảy vào túi của các DN bảo hiểm nhân thọ.
Cân nhắc sửa đổi
Một điểm đáng chú ý khác trong Dự thảo Nghị định khi quy định về thu nhập được miễn thuế là thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của quỹ phát triển đất và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho rằng, theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm HTBS, về bản chất, quỹ HTBS chính là thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Do vậy, cùng với phân tách rành mạch quỹ HTBS và quỹ HTTN, trên cơ sở đó phân định nghĩa vụ thuế khác nhau, để khắc phục bất ổn hiện tại và đảm bảo tính logic với quy định của Dự thảo về thu nhập được miễn thuế, Ban soạn thảo cần có ưu đãi thuế đối với DN tham gia quỹ HTBS, đồng thời sửa đổi các quy định pháp lý liên quan theo hướng miễn thuế cho NLĐ tham gia quỹ này.
Đại diện cho đơn vị tham gia Ban soạn thảo Nghị định, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Thuế TNDN, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho hay, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc phân định rõ đặc thù của quỹ HTBS và quỹ HTTN, trên cơ sở đó gia tăng ưu đãi thuế cho các quỹ HTBS nhằm góp phần cải thiện an sinh xã hội, giảm áp lực chi ngân sách cho tăng lương, đồng thời tăng nghĩa vụ thuế đối với quỹ HTTN mang tính chất thương mại, vì mục tiêu lợi nhuận do DN bảo hiểm cung cấp.