Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 67/TB- VPCP thông báo hết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hôm 15/3.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, Việt Nam cần phải hoàn thành trên 3.000km đường cao tốc để thực hiện được mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030. Do đó, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần huy động và sử dụng linh hoạt các nguồn lực đầu tư của xã hội để xây dựng đường cao tốc. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể, khả thi để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu nêu trên, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Thủ tướng cho biết, đây là yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra, là giải pháp cần thiết để thu hồi vốn đầu tư, tạo thêm nguồn lực cho Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra; bảo đảm nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết (như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng...), xác định mức thu phù hợp, đồng bộ với mức thu trên các đoạn đường cao tốc liền kề, nhằm khuyến khích, thu hút thêm các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư, nâng cấp mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng”, Thủ tướng đánh giá.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV cũng chưa bố trí được chương trình để cho ý kiến về nội dung trên. Mặt khác, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí của Bộ Tài chính và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật (trong đó có nội dung về cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư), bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật trong thời gian sớm nhất theo quy định.
Trước đó, vào tháng 10/2020, Bộ Tài chính đã có tờ trình số 199/TTr-BTC ngày 29/10/2020 gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, Bộ Tài chính đã để xuất 2 phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Với phương án 1, Chính phủ sẽ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá. Cụ thể, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do địa phương quản lý.
Với phương án 2, Chính phủ sẽ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí. Với phương án này, Chính phủ sẽ kiến nghị UBTVQH sửa đổi, bổ sung tiết 1.1 điểm 1, Mục V, Phần A Danh mục phí, lệ phí tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí gồm phí sử dụng đường bộ. Nếu phương án này được thông qua, Bộ Tài chính quy định và phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Tại Tờ trình số 199, Bộ Tài chính nghiêng hẳn về phương án 1 - quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Theo Bộ Tài chính, việc thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) sẽ đồng bộ về mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh... qua đó giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI), trong tương lai, khi tuyến cao tốc Bắc – Nam do Nhà nước đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí thì số thu được sẽ rất lớn, có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng.
“Đây là khoản tiền lớn để bảo trì các tuyến cao tốc hiện có tốt hơn cũng như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cao tốc mới và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường mua bán quyền thu phí đường bộ vốn rất phát triển tại nhiều quốc gia trong khu vưc”, ông Trần Chủng – Chủ tịch VARSI đánh giá.