Người dân những khu vực bị ô nhiễm nước mang theo xô, bình nước lớn để lấy nước sạch sinh hoạt từ xe téc (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, phiên làm việc sáng 31/12, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Trần Quốc Trung kiến nghị, nếu thành phố không nắm cồ phần chi phối của công ty nước sạch thì khó khăn trong cung cấp nước sạch cho dân, vì tư nhân chỉ đầu tư những nơi có hiệu quả.
Ông Trung khẳng định, Nhà nước nắm cổ phần chi phối thì địa phương mới chủ động được nước sạch, an toàn cho người dân.
Trả lời về ý kiến của Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những lĩnh vưc trọng yếu liên quan đến dân như nước sạch thì cần cân nhắc xem nên cổ phần hoá đến mức độ nào.
Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nước là một vấn đề an ninh còn hơn hơn cả lương thực, tuy nhiên, ông băn khoăn vì có một tình trạng thoái vốn nhà nước toàn bộ, có thể nói thoái vốn đến 100% các công ty cung cấp nước sạch. Phát biểu của ông Nghĩa được đưa ra trong bối cảnh tại thời điểm đó, một nhà đầu tư Thái Lan vừa mua thành công 34% cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống (Hà Nội) và vụ việc Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu thải do đổ trộm.
Cũng tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Thủ tướng cho biết ông cũng nhất trí rằng đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Thủ tướng cho biết, ông đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Tài nguyên nước năm 2012 được Quốc hội thông qua, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502/QĐ-TTg năm 2016 về việc Phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.