Tuy số lượng thành viên giao dịch, thành viên bù trừ ban đầu tham gia thị trường còn khá hạn chế, với 7 công ty chứng khoán và 1 sản phẩm là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, nhưng hết năm 2017, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt tới hơn 96.000 tỷ đồng.
Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.954 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt 953,44 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng xấp xỉ 23 và 26 lần so với phiên giao dịch đầu tiên. Tổng giá trị giao dịch trên TTCK phái sinh đến hết ngày 19/1/2018 đạt hơn 122.000 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng của TTCK trên nhiều mặt là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả trên thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh đang có tín hiệu tăng cao, thậm chí có yếu tố đột biến như phiên giao dịch ngày 25/1, khi VN-Index tăng tới 17,15 điểm (+1,58%) lên 1.104,57 điểm và thanh khoản toàn thị trường đạt tới gần 16.000 tỷ đồng, thì hơn lúc nào hết, cần nhà điều hành, các thành viên thị trường dẫn dắt chứng khoán phái sinh theo hướng tránh bị cuốn theo sức nóng của thị trường cơ sở, dẫn đến “làm mờ” một chức năng quan trọng của thị trường này là phòng ngừa rủi ro.
Ðương nhiên, mọi thứ đều do thị trường quyết định. Thế nhưng, thị trường ở đây không ai khác chính là nhà đầu tư, với những chiến lược đầu tư đa dạng, linh hoạt. Tuy nhiên, ở thời điểm mà như một số ý kiến cho rằng, thị trường cơ sở đang trong xu hướng dần tăng cao suốt từ cuối năm 2017 đến nay và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh, đây là lúc công cụ phái sinh cần được nhà đầu tư cân nhắc tăng cường sử dụng nhằm phòng ngừa rủi ro, bảo vệ thành quả đạt được, hơn là mải mê kiếm lời.
Nói cách khác, trong bối cảnh TTCK cơ sở đang tăng mạnh, thì TTCK phái sinh cần phát huy cao tính năng phòng ngừa rủi ro, để thực sự là "tấm đệm giảm xóc" hữu hiệu khi TTCK cơ sở điều chỉnh.
Về phần mình, để đảm đương hiệu quả vai trò của một công cụ phòng ngừa rủi ro, bảo vệ thành quả trên TTCK cơ sở, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD nhấn mạnh đến sự cần thiết các thành viên bù trừ phải luôn nâng cao chất lượng quản lý rủi ro hoạt động, từ khâu mở tài khoản của nhà đầu tư đến việc quản lý, theo dõi tình trạng ký quỹ.
Ðiều này đảm bảo an toàn trong hoạt động vì bản chất rủi ro, cũng như cơ chế chịu trách nhiệm của thành viên bù trừ trong giao dịch chứng khoán phái sinh hoàn toàn khác với thị trường cơ sở. Theo đó, các thành viên bù trừ là người chịu trách nhiệm về toàn bộ rủi ro đối với tình trạng mất khả năng thanh toán của các nhà đầu tư.
Ðể giảm thiểu rủi ro trên TTCK phái sinh, thời gian tới, VSD sẽ rà soát nội dung quy chế hoạt động nghiệp vụ và đề xuất chỉnh sửa một số điểm cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của thị trường.
Trong đó, vẫn đặt ưu tiên về quản lý rủi ro chặt chẽ nhằm đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của TTCK phái sinh, qua đó ngày càng phát huy rõ nét là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là trong những thời điểm các chỉ số trên thị trường cơ sở dao động trong biên độ lớn, tiềm ẩn rủi ro đảo chiều.