Căn nhà - không chỉ là nơi trú ngụ

Căn nhà - không chỉ là nơi trú ngụ

(ĐTCK) Ngoài là nơi trú ngụ, căn nhà còn là tài sản lớn đối với đời người, là nơi lưu giữ kỷ niệm và thể hiện tình yêu thương ruột thịt. Và đương nhiên, còn là góc riêng biệt để tự trải nghiệm những khao khát và nỗi niềm rất cá nhân.

1 Bữa trước, tôi cùng nhóm bạn xuống Bình Chánh chơi. Khi nhìn cảnh vật tĩnh lặng, các ruộng mía bạt ngàn, những cây thanh long níu vô cọc bê tông để vươn lên, đàn ngỗng hồn nhiên kiếm mồi trong khoảnh vườn lớn, ai cũng mê mẩn. Cuộc sống dễ kiếm tiền ở đô thị khiến mọi người ở khắp nơi đều đổ về. Tuy nhiên, khi cuộc sống bắt đầu khấm khá, người ta lại muốn tránh khỏi nơi ồn ào, bon chen nơi phố thị để tìm sự bình yên ở nơi khác.

Căn hộ trên tầng cao, hay căn nhà trong hẻm lớn ngay trung tâm thành phố, hàng tháng, mọi người vẫn cố gắng gom lại để trả góp cho công ty hoặc ngân hàng. Tiện lợi đi làm và đưa con đi học. Trong vòng xoay quay cuồng đó, nếu chỉ cần có thời gian lắng lại để ngắm chút cây xanh, hoặc dư dả hơn, mua mảnh vườn xa xa, cũng coi như được thanh lọc tâm hồn rồi. Tuy nhiên, dù mê mẩn tới mức nào đi nữa, chỉ trong ngày nghỉ cuối tuần, bạn mới có thời gian để “detox” tinh thần. Còn lại, đa số thời gian, vẫn trải qua những sinh hoạt cơ bản ở nơi tiện lợi.

Mở mắt ra đã đầy áp lực. Tối đi làm về đã rã rời chân tay và đầu óc. Căn nhà như chứng nhân, chứng kiến bao nhiêu niềm vui, nỗi khổ của chủ nhà. Nói không ngoa, nhà như người bạn, dù đó là bạn mới quen (nhà đi thuê mướn), hay bạn lâu năm (nhà mua ở dài hạn).

Người ta thường nói, nếu như ở đâu chỉ trong 5 năm, nghĩa là nơi đó đã quá thân thuộc. Vậy nhưng có lần, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, người đàn ông gốc Bắc sinh sống tại Sài Gòn đã hơn 30 năm, lại tâm sự: “Sao anh vẫn cảm thấy đi trên đường phố nơi này mà vẫn không phải là nhà mình!”.

Thế, nhà mình ở đâu, khi chúng ta như cánh chim, đã bay tứ phương, tám hướng?

Nghe lời chia sẻ của người nghệ sĩ mà đồng cảm, thấy khái niệm căn nhà và nhà vừa trùng nhau, mà cũng lại rất khác nhau. Bao nhiêu khát vọng của đời người, diễn ra ở trong căn nhà nào đó, rất hữu hình. Và cũng gửi gắm ở nơi chứa đựng vật thể ấy, một cách khá vô hình.

2 Trong ký ức của tôi, ngày nhỏ, tôi thường được bố chở về quê, lóc cóc trên chiếc xe đạp. Quê nội tôi không xa, chỉ cách thành phố hơn 30 cây số, nhưng với giao thông cách trở ngày đó, thì mỗi lần về quê được chuẩn bị như đi hội ngày Xuân. Quần áo được mang đi là những bộ đẹp nhất, lành lặn và ấm áp nhất.

Con đường về quê được trải dài bằng những cánh đồng lúa ướm vàng, gió thổi tạo sóng không dứt suốt ngày đêm. Tôi ngồi sau xe đạp, lẩm nhẩm về bài tập văn vừa viết tả cảnh, quên đi cả bữa ăn còn chưa no bụng.

Vậy mà tự hào lắm lắm khi so sánh với những bạn bè đồng tuổi ở quê còn nghèo khó và mặc quần áo rách vá, đứng bên đường nhìn theo với vẻ thèm thuồng ra mặt. Các bạn không được đi học, hầu hết đều nghỉ ở nhà để đi chăn vịt và chăn trâu. Bao nhiêu thiệt thòi đều ập lên vai con trẻ nhà nghèo, thấy tội lắm!

Sau này tôi lớn lên và lập nghiệp ở xa gia đình, khi rảnh đều cố gắng sắp xếp thăm nhà, nhưng vẫn mang cảm giác háo hức như ngày thơ bé về quê. Không đi đâu vui hơn bằng trở về nhà, nơi mà tất cả mọi người đều dang tay chào đón, không đòi hỏi bất cứ điều gì, với một tình yêu vô điều kiện. Vậy thì phải chăng, nhà cần phải là nơi che chở bình yên nhất, đúng không?

Bữa trước, được nghe câu chuyện về những gia đình tan đàn xẻ nghé, chỉ vì tranh nhau tài sản thừa kế, mà cảm thấy buồn lòng. Mái ấm gia đình, hẳn bắt nguồn từ sự vững chắc của căn nhà, theo nghĩa đầy đủ nhất. Ở nơi đó, nếu ta được cười vui và hạnh phúc, thì chắc chắn rằng sẽ “phả” được sự tin yêu cuộc đời vào mọi thứ đồ vật xung quanh.

Còn ngược lại, nếu chủ nhân luôn gặp chuyện bất hạnh, thì đảm bảo rằng, ngôi nhà bị bỏ bê không thương tiếc, chẳng được chăm chút và sửa sang chỉn chu nữa. Lòng người đã nguội lạnh rồi, thì sá chi là nhà đất!

Tin bài liên quan