Sau cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, nhiều chủ tài sản bị thiệt hại nặng nề, thậm chí trắng tay do không mua bảo hiểm hoặc mua không đầy đủ trước đó. Nguyên nhân do đâu, theo ông?
Siêu bão Yagi gây thiệt hại cho nhiều địa phương phía Bắc. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9/2024, tổng thiệt hại về tài sản do cơn bão này gây ra ước tính lên đến 81.500 tỷ đồng. Còn Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thông tin, trên cơ sở báo cáo của các công ty bảo hiểm (cả phi nhân thọ và nhân thọ), tính đến ngày 7/10/2024, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do bão lũ vào khoảng 11.627 tỷ đồng.
Số tiền chi trả bảo hiểm trên thực tế có thể thấp hoặc cao hơn mức trên, song có một điều đáng tiếc là nhiều chủ tài sản còn lơ là trong việc mua bảo hiểm cho tài sản của mình. Chẳng hạn, mới đây, ông Lê Văn Tám - nhà sáng lập dự án Ecos, một start-up chuyên sản xuất ống hút từ rau củ quả chia sẻ câu chuyện nhà xưởng của mình tại Hợp tác xã Sông Hồng ngập trong nước lũ khiến 90% tài sản bị hủy hoại hoàn toàn, nhưng vì chưa mua bảo hiểm nên không được bồi thường thiệt hại.
Ông Phạm Văn Dũng, Co-founder Công ty Bảo hiểm trực tuyến IBAOHIEM |
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp chỉ lo tập trung kinh doanh mà lơ là việc tham gia bảo hiểm, nên đôi khi việc nhỏ làm hỏng việc lớn. Trong trường hợp nhà xưởng trên tham gia bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt, hoặc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản cho nhà xưởng, tài sản và hàng hóa bên trong đầy đủ, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ những hư hỏng của nhà xưởng do đợt bão lũ vừa rồi. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm còn thể tạm ứng bồi thường cho chủ doanh nghiệp đến 80% thiệt hại (con số này tùy theo từng công ty bảo hiểm) sau khi xác định được thiệt hại để khắc phục khó khăn.
Về nguyên nhân, theo tôi, ngoài do ý thức của chủ tài sản thì còn do thị trường bảo hiểm đang thiếu một sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt về giông bão. Nếu có sản phẩm chuyên biệt này sẽ giúp công ty bảo hiểm tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng nhỏ lẻ hơn, trong khi nhóm khách hàng này cũng được bảo vệ tốt hơn.
Vì sao lại chưa có sản phẩm bảo hiểm riêng biệt về bão lũ, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Theo tính toán, trung bình mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 10 cơn bão lớn nhỏ. Tuy nhiên, chưa có công ty bảo hiểm nào cấp đơn bảo hiểm riêng biệt (hợp đồng bảo hiểm riêng) cho loại rủi ro này, kể cả những nhà bảo hiểm có thị phần lớn về tài sản kỹ thuật như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bưu điện (PTI)…, mà chỉ có các loại hợp đồng bảo hiểm về tài sản phổ biến như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản. Nghĩa là, các rủi ro giông bão, lũ lụt lâu nay thường được bảo vệ trong hợp đồng bảo hiểm cháy nổ rủi ro đặc biệt và bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, mà không phải là một hợp đồng riêng về bảo hiểm giông bão.
Do là hợp đồng bảo vệ rủi ro cháy nổ nên khi tham gia bảo hiểm, các công ty bảo hiểm thường yêu cầu khách hàng phải có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy cho tài sản của mình.
Đối với các tài sản lớn, chủ tài sản sẽ không quá khó khăn trong việc cung cấp giấy chứng nhận này, nhưng với tài sản nhỏ thì gần như không có, nên dù mong muốn tham gia bảo hiểm để bảo vệ trước rủi ro của bão lũ nhưng khách hàng không đáp ứng đủ yêu cầu để có thể tham gia. Do đó, có thể xem đây là một “điểm vướng”.
Sau những trận bão lớn như cơn bão số 3 vừa qua, người dân có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt tác hại lớn của bão lũ và tầm quan trọng của việc có bảo hiểm để bảo vệ tài sản của bản thân và doanh nghiệp.
Các công ty bảo hiểm cũng nhận thấy mảng thị trường bảo hiểm tài sản còn nhiều dư địa khai thác nên trong thời gian tới, cần thiết xuất hiện những loại hình bảo hiểm tài sản riêng cho rủi ro giông bão, lũ lụt.
Những hợp đồng bảo hiểm tài sản riêng cho rủi ro giông bão nếu không bảo vệ cho rủi ro cháy nổ sẽ không cần cung cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy hay biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy.
Tất nhiên, vẫn có một số loại hình tài sản như cây rừng, vật nuôi… không vướng quy định trên, nhưng chủ tài sản gần như không tham gia bảo hiểm để bảo vệ tài sản của mình.
Nếu sắp tới thị trường xuất hiện sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt kiểu này thì liệu sẽ hút khách?
Như đã nói ở trên, một sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt sẽ giúp nhà bảo hiểm dễ dàng tiếp cận những khách hàng nhỏ lẻ. Ở chiều ngược lại, vì là sản phẩm đầu tiên ra mắt đúng dịp sau bão Yagi nên sẽ được quảng bá rộng rãi về mặt thương hiệu, vì thế chủ tài sản cũng dễ tiếp cận với bảo hiểm hơn.
Ngoài ra, việc ra đời một sản phẩm chuyên biệt bảo vệ những rủi ro bão lũ cũng là chia sẻ gánh nặng về tài chính đối với người dân và chủ doanh nghiệp, giúp họ an tâm sản xuất và có một “lá chắn” bảo vệ hữu hiệu cho tài sản của mình.
Khi chưa phải là sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, mà chỉ là các hợp đồng bảo hiểm có quyền lợi bảo vệ khi giông bão như hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn không rõ có dễ tham gia hợp đồng bảo hiểm này hay không? Trường hợp nào bị từ chối bán và trường hợp nào bị từ chối bồi thường?
Trên thực tế, có nhiều tài sản dễ dàng tham gia bảo hiểm như nhà tư nhân, tài sản ở nhóm rủi ro thấp (cat 1, cat 2, cat 3). Mặt khác, rủi ro giông bão, lũ lụt lại thuộc nhóm các rủi ro cơ bản thường được bảo vệ trong các đơn bảo hiểm tài sản nên khi xảy ra tổn thất, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường. Chỉ những tài sản ở nhóm rủi ro cao (cat 4, cat 5, cat 6…) sẽ yêu cầu khắt khe hơn trong việc cấp bảo hiểm. Công ty bảo hiểm thường đánh giá rủi ro chặt chẽ và yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ cần thiết trước khi cấp bảo hiểm đối với loại rủi ro cao này.
Tóm lại, rủi ro giông bão, lũ lụt là sự kiện bất khả kháng và ít liên quan đến chủ tài sản nên các đơn bảo hiểm hiện tại gần như không loại trừ hay từ chối bồi thường. Việc từ chối bồi thường một phần thường chỉ có trong trường hợp khi tham gia bảo hiểm, khách hàng không kê khai đầy đủ các tài sản của mình trong đơn bảo hiểm nên không được bảo vệ.
Trên thực tế cũng có trường hợp nhiều khách hàng khi tham gia bảo hiểm tài sản chỉ mua mỗi rủi ro cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Nhà nước, mà không mua bổ sung thêm các rủi ro giông bão, lũ lụt. Những trường hợp này khi xảy ra thiệt hại do bão lũ sẽ không được bồi thường do rủi ro không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Loại hình bảo hiểm tài sản là một trong những nghiệp vụ khó. Bản thân các đơn bảo hiểm tài sản cũng có nhiều điều khoản bổ sung (hơn 100 điều khoản) và việc kê khai tài sản khi tham gia bảo hiểm cũng cần chuẩn xác. Các doanh nghiệp khi tham gia loại hình bảo hiểm này nên lựa chọn các đại lý, môi giới có nhiều kinh nghiệm để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất khi xảy ra rủi ro.
Theo một số lãnh đạo công ty bảo hiểm, cháy nổ mới là rủi ro điển hình trong bảo hiểm tài sản nên khách hàng mua theo đơn bảo hiểm mọi rủi ro (bao gồm rủi ro thiên tai) đã là đầy đủ, vì sản phẩm độc lập không bảo vệ độc lập cho khách hàng. Các quy tắc, bộ hợp đồng bảo hiểm ở thị trường Việt Nam về cơ bản đều sao chép của thị trường các nước. Có một sản phẩm chỉ bảo hiểm rủi ro thiên tai là chủ yếu, đó là bảo hiểm nông nghiệp. Bởi vậy, không cần thiết phải phát hành hợp đồng bảo hiểm chuyên biệt về bão lũ.
Tuy nhiên, nếu chủ tài sản cảm thấy vướng, thấy khó khăn cần giải quyết và công ty bảo hiểm nhận thấy đây là một nhu cầu phổ biến và hợp lý thì sẽ điều chỉnh, không ngại bán sản phẩm độc lập.
Thực tế, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là sản phẩm bắt buộc phải mua, khi mua có thể mua thêm quyền lợi rủi ro về thiên tai và thông thường được công ty bảo hiểm tính phí bảo hiểm khá rẻ, còn nếu tách ra thành sản phẩm chuyên biệt để mua riêng quyền lợi này thì phí bảo hiểm sẽ đắt hơn.
Ngoài bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, khách hàng có thể mua bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, bao gồm rủi ro cháy nổ và thiên tai. Một số nước có rủi ro thiên tai cao như động đất đã đưa bảo hiểm thiên tai vào nhóm bảo hiểm bắt buộc phải mua. Trước đây, Bảo hiểm Bảo Việt từng có một sản phẩm chỉ bảo hiểm riêng cho bão theo nguyên tắc bảo hiểm tham số, nhưng vì không bán được nên giờ không bán nữa.