Số liệu từ Bảng xếp hạng VN500 năm 2014 chỉ ra rằng, 59,4% tổng doanh thu của 500 DN lớn nhất đến từ khối nhà nước, cho thấy DNNN vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong Bảng xếp hạng VNR500. Khối DN tư nhân trong nước có nhiều DN lọt vào Bảng xếp hạng nhất, chiếm khoảng 44%, nhưng tổng doanh thu lại ở mức thấp nhất với 18,6% tổng doanh thu toàn bảng, giảm 0,8% so với năm trước, cho thấy hoạt động của các DN tư nhân trong nước trong thời gian qua đang có dấu hiệu đi xuống.
Xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản, khối tư nhân trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây là mức thấp nhất so với các khối DN, đơn cử FDI đạt 13%, Nhà nước đạt 6,2%.
Kết quả từ cuộc khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report cho thấy, nhu cầu về vốn của các DN tư nhân đang rất cao. Việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối DN này phát huy hết tiềm năng của mình, lấy đi sự tự tin của các DN vốn được đánh giá là năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế. Đây cũng là một thách thức mới cho DN tư nhân tăng trưởng trong năm 2015.
Chia sẻ quan điểm về thực trạng của DN tư nhân, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, số lượng DN thành lập mới năm 2014 tăng 1,63 lần so với năm 2006. Song DN vẫn thiếu vốn sản xuất - kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Doanh thu, lợi nhuận của khu vực DN này đang có xu hướng giảm.
Năm 2015, sẽ có không ít thách thức đối với khu vực này. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, lạm phát sẽ thấp và được điều hành linh hoạt hơn, nhưng sẽ có nhiều khó khăn đến từ việc đồng đô-la rớt giá. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, phát hành trái phiếu.
Cơ hội đến từ việc tham gia sâu rộng hơn thị trường thế giới, theo ông Thành sẽ không được phát huy nếu DN tư nhân không có đủ khả năng để bám theo luật chơi thị trường, với những quy định về kỷ luật, giám sát mạnh mẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lại lo ngại về những thách thức đến từ chính sách thuế. 2015 là năm thực hiện cuối cùng để thực hiện giảm các dòng thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. Trong khi nhiều DN tư nhân đang loay hoay không nắm được chúng ta đang mở cửa đến đâu để có lộ trình cho sự chuẩn bị nhằm vượt qua những tiêu chuẩn cần thiết và khó khăn. Chẳng hạn, khi tham gia FTAs thì các mức thuế về 0% nhưng đối với từng mặt hàng sẽ có các quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ riêng, trong nhiều trường hợp là rất ngặt nghèo. “2015 trên bề mặt không có gì nhưng ở dưới sẽ có rất nhiều sóng ngầm. Nhất thiết DN cần nắm được những thông tin về lộ trình mở cửa FTAs để xây dựng lộ trình hoạt động cho riêng mình”, bà Trang chia sẻ.
Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2015 của Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2015. Trong đó, nổi bật là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Bộ Tài chính thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Chia sẻ của một số lãnh đạo DN cho thấy, những thông điệp này đã được nhắc lại nhiều lần trong năm 2014, song thực tế DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực DN tư nhân. Điều họ cần là chủ trương biến thành hành động thực tế trong năm mới.