Hiện nay, việc bán chứng khoán trước khi về tài khoản là không được phép - Ảnh: Hoài Nam.

Hiện nay, việc bán chứng khoán trước khi về tài khoản là không được phép - Ảnh: Hoài Nam.

Cần một cái nhìn công bằng!

(ĐTCK-online) Một trong những câu chuyện được thị trường quan tâm tuần qua là chuyện UBCK xử phạt việc bán chứng khoán trước khi về tài khoản tại CTCK APEC và An Phát.

Việc bán chứng khoán trước khi về tài khoản là không được phép, nhưng hiện một số CTCK vẫn thực hiện được do chế độ lưu ký hai cấp, cơ quan quản lý chưa thể giám sát đến từng tài khoản NĐT.

Nhiều người cho rằng, đây là hành vi bán khống, nhưng còn một số nghiệp vụ cũng được xem là bán khống bên cạnh trường hợp kể trên. Một quỹ đầu tư xác định đầu tư dài hạn một cổ phiếu nào đó. Do chưa có nhu cầu chuyển nhượng, quỹ đầu tư này đã làm hợp đồng cho vay chứng khoán với các thỏa thuận về lãi suất, thực hiện quyền... nhằm gia tăng giá trị cho số cổ phiếu nằm im trong tài khoản. Trong khi đó, NĐT muốn lướt sóng có thể vay cổ phiếu để kinh doanh trên cơ sở phân tích diễn biến thị trường. Họ có thể vay và bán đi nếu nhận định giá đang cao và sẽ mua trả lại khi giá xuống thấp. Mặc dù chưa công khai, nhưng dịch vụ này đã và đang được sử dụng tại một số CTCK có tự doanh lớn và một số quỹ đầu tư có chứng khoán xác định đầu tư dài hạn.

Theo quy định tại điều 71, khoản 9 Luật Chứng khoán, CTCK có nghĩa vụ "thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính".

Hiện nay, chưa có quy định của Bộ Tài chính về vấn đề này và các CTCK không được triển khai. Vậy nhưng, khái niệm khi "không sở hữu chứng khoán" cũng khá mơ hồ, nên một số CTCK đã thực hiện cho NĐT vay chứng khoán để giao dịch (hai bên có hợp đồng và đương nhiên NĐT đã sở hữu).

Nếu việc bán chứng khoán trước khi về tài khoản sẽ được giải quyết trong thời gian tới khi cơ quan quản lý thực hiện rút ngắn thời gian giao dịch thì cho vay chứng khoán vẫn là vấn đề bỏ ngỏ.

"Cho vay chứng khoán là một nghiệp vụ không mới tại nhiều nước, nhưng với Việt Nam thì vẫn rất đỗi xa lạ và nhiều người cho rằng đó là bán khống. Theo tôi cần quy định rõ về nghiệp vụ này và cho phép triển khai như một sản phẩm hỗ trợ thị trường", một chuyên gia tài chính nói.

Được biết, hiện UBCK đang có dự định triển khai nghiệp vụ cho vay chứng khoán. Điều này có thể giúp thị trường vận hành đỡ méo mó hơn.

Hiện nhiều CTCK đã triển khai mạnh việc magin, đòn bẩy tài chính. Nghĩa là NĐT vẫn mua được nhiều chứng khoán hơn số tiền thực có. Nếu việc bán khống có thể chứa đựng nhiều rủi ro khiến một số nước phát triển phải hạn chế, thì việc cho vay chứng khoán lại là cần thiết, giúp thị trường cân bằng, đỡ biến dạng theo những chiêu thức lách luật của các chủ thể tham gia.