Nếu so với Hàn Quốc những năm 1980 khi đạt thu nhập 2.500 USD/người thì năng suất của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn, đóng góp tích tụ tư bản cũng thấp hơn. Muốn cải thiện hiện trạng này, Việt Nam cần thúc đẩy tích tụ vốn trong nền kinh tế song song với việc tăng năng suất.
Theo WB, mức độ tích lũy vốn cho đầu tư của Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ tích lũy tiết kiệm trong nền kinh tế cao, nhưng không phát huy được để sử dụng cho mục đích nâng cao năng suất lao động. Chuyên gia Kinh tế trưởng WB, ông Sebastian cho rằng, làm thế nào để mở khóa tiềm năng thu hút vốn khu vực tư nhân là điều rất quan trọng.
Cùng với đó, cần tăng khả năng hấp thụ các nguồn lực của cộng đồng DN để tạo công ăn việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB chỉ rõ một thực trạng tồn tại lâu nay là Việt Nam quá dựa vào khu vực ngân hàng, mà chưa phát triển thị trường vốn dài hạn để DN chủ động huy động vốn.
Ông Sebastian cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp điều hòa vốn trên thị trường tài chính. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là đẩy nhanh, củng cố hệ thống trung gian tài chính, qua đó giảm chi phí nguồn vốn, tăng cường tiếp cận vốn, cải thiện sự lành mạnh của khu vực ngân hàng, xây dựng các cơ chế huy động tài chính giúp điều hòa thị trường vốn.
Ưu tiên tiếp theo là xử lý nút thắt cổ chai, đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực DN nhà nước, tăng cường quản trị DN, tách biệt chức năng sở hữu và quản lý nhà nước.
Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư công cũng như các tác động của việc chậm giải ngân đầu tư công tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao?
Nếu nhìn vào ngắn hạn, bạn có thể không thấy tác động của giải ngân chậm các khoản đầu tư công vì có các yếu tố bù đắp khác như đầu tư tư nhân đã khá mạnh và tăng tốc trong năm qua. Tăng trưởng GDP vẫn trên 6,5%, năm 2018 đạt kỷ lục gần 7,1%, nhưng về lâu dài, chậm giải ngân đầu tư công có thể là vấn đề vì hầu hết đầu tư công dành cho cơ sở hạ tầng, cho tương lai dài hạn. Nếu đầu tư không đủ cho cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ là khoảng hụt cho tăng trưởng sau này.
Ví dụ, hệ thống phát điện và truyền tải, cơ sở hạ tầng giao thông giúp cải thiện kết nối trong Việt Nam và giữa Việt Nam với các đối tác thương mại. Ðây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển, đặc biệt là cho lĩnh vực sản xuất, hiện là động lực tăng trưởng lớn của Việt Nam. Mối lo ngại của tôi đối với sự chậm lại trong đầu tư là nó có thể gây hại cho cơ sở hạ tầng trong trung và dài hạn.
Ðối với vấn đề nợ công, theo ông, sự cải thiện đáng kể về cân đối ngân sách gần đây của Chính phủ có giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư cho thúc đẩy tăng trưởng?
Về nợ công, điều tốt là Chính phủ đã tập trung vào các kỷ luật tài khóa và do đó đã giúp giảm nợ công trên GDP. Nợ công của Việt Nam so với GDP không chỉ gần với giới hạn 65% trên GDP, mà còn cao hơn mức nợ ở nhiều quốc gia có mức thu nhập tương tự. Vì vậy, thật tốt khi Chính phủ giải quyết cơ bản thâm hụt ngân sách và mất cân đối tài khóa.
Tuy nhiên, điều quan trọng là tính hiệu quả của đầu tư công, nơi có cơ hội rất lớn để cải thiện, nhưng cũng cần nhìn vào chi tiêu thường xuyên, ví dụ tổng tiền lương của Việt Nam đã tăng rất nhanh và Việt Nam cần phải cắt giảm chi thường xuyên.
Vấn đề rất quan trọng khác là Việt Nam cần tiếp tục huy động tài chính cho nhu cầu phát triển, bao gồm cả phát hành trái phiếu trong nước, trong tương lai là phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là các khoản vay từ các đối tác phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc ADB, các chủ nợ chính thức song phương khác có thể cung cấp tài chính cho nhu cầu phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, mọi khoản vay đều cần trong giới hạn quy định, sử dụng một cách kỷ luật, để khoản đầu tư được lấy từ những khoản nợ đó tạo ra lợi nhuận, có thể trả nợ tốt và tạo nên tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam.