Minh chứng cho hoạt động này của Agribank, ông có thể chia sẻ những con số cụ thể?
Tính đến ngày 31/10/2021, dư nợ nền kinh tế của Agribank đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 70% và tỷ lệ này được duy trì trong suốt nhiều năm. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng cá nhân đạt trên 870.000 tỷ đồng, chiếm 70,8% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 32.000 tỷ đồng (tương đương 3,9%) so với đầu năm.
Trong giai đoạn 2017-2019, bình quân dư nợ cho vay cá nhân của Agribank tăng hơn 100.000 tỷ đồng/năm, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm. Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ cho vay cá nhân chỉ tăng hơn 56.000 tỷ đồng (tương đương 7,1%).
Số lượng khách hàng cá nhân vay vốn luôn chiếm 99% tổng số khách hàng vay vốn (trên 3 triệu khách hàng). Đặc biệt, trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân quy mô nhỏ dưới 200 triệu đồng đạt khoảng 355.000 tỷ đồng với hơn 2,1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 42% tổng dư nợ cho vay cá nhân.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank |
Dư nợ cho vay cá nhân của Agribank phục vụ chủ yếu nhu cầu sản xuất - kinh doanh thuộc các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (dư nợ 265.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,4% dư nợ khách hàng cá nhân); thương nghiệp - dịch vụ (dư nợ 266.000 tỷ đồng tỷ đồng, tỷ trọng 30,6%), cho vay tiêu dùng (dư nợ 236.000 tỷ đồng tỷ đồng, tỷ trọng 27,2%)...
Tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ đời sống của Agribank tương đương tỷ trọng cho vay phục vụ đời sống của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức khoảng 20%. Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng đều qua các năm, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm đáng chú ý, chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng luôn được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp. Năm 2020, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng là 0,2% trên tổng dư nợ cấp tín dụng, chiếm 1,23% tổng nợ xấu.
Tôi muốn chia sẻ thêm là, Agribank không từ chối bất kỳ nhu cầu hợp pháp nào của khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Minh chứng là Ngân hàng đã dành 200.000 tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2,5%/năm (đã giải ngân gần hết gói tín dụng) cho vay mới và cho vay lại đề phòng đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh tiếp cận người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng để tránh bẫy “tín dụng đen”.
Mặc dù chiếm tỷ trọng không nhỏ trong dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, nhưng trên thực tế, tín dụng cho khách hàng quy mô nhỏ vẫn là khoảng trống khiến “tín dụng đen” len lỏi ở khu vực thành thị và đặc biệt mạnh tại vùng nông thôn. Là ngân hàng đồng hành với khu vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank đã có những giải pháp nào để chung tay cùng xã hội giải quyết vấn đề này?
Trong mục tiêu tăng khả năng tiếp cận vốn vay đối với người dân vùng sâu, vùng xa, Agribank đã tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể góp phần hạn chế “tín dụng đen” như triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô hơn 5.000 tỷ đồng đối với nhu cầu dưới 30 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với thủ tục xét duyệt được rút gọn, đơn giản hóa, gần như được làm thủ tục trước và người dân có thể nhận nợ bất kỳ lúc nào.
Đồng thời, kết hợp với các phương tiện thanh toán qua thẻ hay ứng dụng (app) nên gần như khách hàng không phải đến quầy giao dịch Ngân hàng làm thủ tục vay vốn. Riêng khách hàng truyền thống và món vay dưới 300 triệu đồng, trong 3 năm không phải làm hồ sơ và chỉ tiến hành soát xét mỗi năm một lần.
Theo đó, tính đến 31/10/2021, doanh số cho vay lũy kế đạt trên 45.000 tỷ đồng (gấp 9 lần quy mô ban đầu), với hơn 600.000 lượt khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách (chữa bệnh, nộp học phí, hỗ trợ khách hàng khó khăn...), góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhận thấy những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, từ ngày 25/6/2021, Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị, thị trấn, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Sau hơn 4 tháng triển khai, doanh số giải ngân đã đạt trên 1.500 tỷ đồng với gần 2.000 khách hàng được tiếp cận vay vốn.
Trong quá trình triển khai, đâu là khó khăn, vướng mắc Ngân hàng phải đối mặt?
Với mạng lưới rộng khắp, số lượng khách hàng lớn, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đối với những khoản vay nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả kiểm soát rủi ro đạo đức của cán bộ tín dụng.
Việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân là không dễ dàng do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng khó tiếp cận được vốn vay do không có nguồn trả nợ. Ngoài ra, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định cho vay.
Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng “tín dụng đen” khu vực nông thôn qua việc biến tướng hoạt động mua bán trả chậm tại các đại lý phân phối nguyên liệu, vật tư sản xuất và đại lý thu mua, tiêu thụ hàng hóa, mà nguyên nhân là do thiếu thông tin về sản phẩm và thị trường chưa được định hướng.
Đơn cử, Agribank hiện vẫn đợi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt triển khai giai đoạn II đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trong thời gian tới nhằm tăng cường các xe ô tô chuyên dùng hoạt động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Và câu chuyện không mới, đó là bài toán tăng vốn điều lệ. Là ngân hàng thương mại với 100% vốn Nhà nước nên Agribank gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ để vừa đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, vừa đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh như hiện nay, mà theo tính toán, mỗi năm Agribank cần tăng khoảng 8.000 tỷ đồng vốn tự có để đáp ứng nhu cầu này.
Xét về tổng thể, tôi cho rằng, việc đẩy lùi “tín dụng đen” không chỉ là trách nhiệm của ngành công an hay ngân hàng, mà cần cả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự chung tay vào cuộc của các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Trong hệ thống ngân hàng, ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng khác trong hệ thống cùng vào cuộc nhằm đáp ứng các nhu cầu vay vốn hợp pháp, cấp thiết của người dân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho vay tiêu dùng riêng, trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay..., cũng như có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách này.
Định hướng trong thời gian tới của Agribank đối với tín dụng bán lẻ quy mô nhỏ sẽ như thế nào?
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn hiện hữu, Agribank sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như:
Thứ nhất, niêm yết công khai các quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, chủ động tiếp cận khách hàng; cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết lập, quản lý hồ sơ cho vay.
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp - nông thôn.
Thứ ba, đối mới phương thức tổ chức phục vụ khách hàng theo hướng ngày càng thuận tiện hơn, lấy khách hàng là trung tâm, tiết giảm chi phí cho khách hàng và Ngân hàng.
Thứ tư, nghiêm cấm cán bộ cấu kết, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; phối hợp với cơ quan công an, chính quyền các cấp đấu tranh, ngăn chặn ảnh hưởng của “tín dụng đen” đối với tín dụng ngân hàng trên địa bàn. Agribank kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm, buông lỏng quản lý, giám sát.