Chính sách tiền tệ tắt chặt đã gây khó khăn cho các DN sản xuất

Chính sách tiền tệ tắt chặt đã gây khó khăn cho các DN sản xuất

Cần lời giải cho đình đốn sản xuất

(ĐTCK-online) Cái giá phải trả cho việc thắt chặt cung tiền để kìm cương lạm phát cũng đang lớn dần lên, đó là tình trạng đình đốn sản xuất, thất nghiệp gia tăng. Rồi tiếng nói than phiền của các doanh nghiệp, hiệp hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Lạm phát, tỷ giá, hai thành tố quan trọng của kinh tế vĩ mô đã dần đi vào ổn định, dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 so với cùng kỳ còn khá cao. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc thắt chặt cung tiền để kìm cương lạm phát cũng đang lớn dần lên, đó là tình trạng đình đốn sản xuất, thất nghiệp gia tăng. Rồi tiếng nói than phiền của các doanh nghiệp, hiệp hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Phải chăng đã đến lúc, “người đi trên dây” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiêng nhiều hơn về bên tăng trưởng? Đó cũng được xem là cách làm hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, một mục tiêu luôn song hành với các mục tiêu khác trong mọi nghị quyết của Chính phủ. Động thái hạ lãi suất 1% trên thị trường mở mới đây của NHNN có lẽ là theo hướng này, dù nó được đánh giá chỉ mang ý nghĩa tín hiệu đối với thị trường hơn là tác động trực tiếp làm giảm mặt bằng lãi suất. Trên thực tế, lãi suất huy động của thị trường cũng đã bắt đầu hạ, điều này xuất phát từ động lực kinh tế của chính thị trường. Theo đó, lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp không thể chịu được, dẫn đến nhu cầu vay giảm, từ đó làm giảm nhu cầu huy động của ngân hàng và giảm lãi suất huy động. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu chính phủ hiện cũng đã giảm là những động thái khác bổ sung vào xu hướng giảm lãi suất chung của thị trường.

Trong giai đoạn nền kinh tế nhạy cảm như hiện nay, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng là hai mặt đối lập nhau của cùng một chính sách tiền tệ. Việc làm sao để cân bằng giữa hai mục tiêu này từng được người đứng đầu ngành ngân hàng ví như “đi trên dây”, càng nghiêng về một bên thì nguy cơ “rơi” càng cao. Có vẻ như điều hành của NHNN thời gian qua đã quá nghiêng về kiềm chế lạm phát. Hệ quả là lãi suất quá cao trong thời gian dài và thanh khoản trong nền kinh tế bị bóp nghẹt đã và đang đẩy sản xuất vào thế phải thu hẹp, cũng khiến cho các khoản dư nợ tín dụng của ngân hàng trở nên rủi ro hơn. Điều này được thể hiện qua việc dư nợ tín dụng tăng chậm trong thời gian qua khi hết nửa năm mới đạt được 1/3 chỉ tiêu cả năm và nhiều ngân hàng chấp nhận mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động.

Không loại trừ khả năng, sản xuất có thể bị thu hẹp đến mức làm cho tổng cung giảm thấp hơn tổng cầu và qua đó đẩy giá lên, tức là lạm phát sẽ song hành cùng suy giảm tăng trưởng. Bối cảnh đó phức tạp hơn nhiều so với tình thế được chọn một trong hai như hiện nay.

Lạm phát đã hạ nhiệt dù vẫn còn nguy cơ nóng trở lại. Vì thế, cơ hội hạ lãi suất đã có, song còn phải thận trọng với nới lỏng tiền tệ. Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn được duy trì ở mức 20% cho năm nay, việc NHNN ra tín hiệu hạ lãi suất có thể là phù hợp nhằm giảm bớt áp lực chi phí vốn cho nền kinh tế mà không lo tín dụng tăng nóng.