Thiên thần nhí chào đời trong dịp năm mới tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đón Tết tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dường như đã trở thành một thói quen, một nét văn hoá đẹp với người Phụ sản Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về.
Và nét đẹp ấy cũng lôi cuốn, ngấm vào máu của một “người ngoại đạo” như tôi để rồi mỗi dịp Giao thừa cận kề, tôi lại háo hức đón Tết tại nơi những “thiên thần” cất tiếng khóc.
Năm nay, trong cái lạnh cắt da, cắt thịt đặc trưng của miền Bắc, các cán bộ y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn hào hứng thực hiện các nghi lễ đón năm mới “truyền thống” của mình.
Nếu như năm 2021, trong bài phát biểu chúc mừng năm mới trước hàng trăm cán bộ, nhân viên, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Duy Ánh lựa chọn mục tiêu phấn đấu trong năm với 5 chữ T, gồm Thiên thời, Tiến lên, Trí tuệ, Tận tâm và Tin tưởng thì năm nay vị thuyền trưởng của Bệnh viện chỉ chọn duy nhất một chữ “Tâm”.
Ông cho rằng, chữ Tâm của người thầy thuốc trong bối cảnh nào cũng là tối quan trọng, giúp họ có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, rào cản hay những tham, sân, si của đời thường, thực hiện sứ mệnh chữa bệnh, cứu người.
“Hiện nay, khi dư luận đang có nhiều các nhìn thiếu thiện cảm với ngành Y, với một số cán bộ y tế thì chúng ta càng phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để người dân thấy rằng trong cuộc đời này chủ yếu vẫn là tốt đẹp, sự tử tế vẫn luôn ngự trị”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh trải lòng.
Để tránh xa lối suy nghĩ lệch lạc cho rằng nghề y dễ làm giàu, dễ kiếm tiền, trượt dốc theo những sai lầm hay quên mất lời thề Hippocrates linh thiêng, theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mỗi cán bộ y tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cần có tâm tu dưỡng thể hiện bằng sự cầu thị, tiến bộ, đột phá, sáng tạo trong công việc.
“Mỗi cán bộ cũng cần vượt qua những cám dỗ đời thường, hết lòng cứu chữa người bệnh, coi họ như người thân để xứng đáng với chiếc áo blouse trắng tinh khiết, thanh cao đang khoác trên mình, cũng để xứng đáng với danh xưng “lương y như từ mẫu” mà nhân dân ưu ái trao tặng”, PGS.TS.Nguyễn Duy Ánh nêu.
Động viên cán bộ y tế song đây cũng là cách lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thể hiện quyết tâm của Bệnh viện cho một năm mới.
Khi dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay thì trong năm 2022, mục tiêu lớn, bao trùm nhất mà Bệnh viện vẫn hướng tới là chống dịch, triển khai tiêm vắc-xin cho các thai phụ để hạn chế các ca bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng mẹ và bé.
Bệnh viện cũng sẽ tiếp tục triển khai các mũi nhọn kỹ thuật cao đã ghi dấu ấn như can thiệp y học bào thai giúp hồi sinh sự sống, cứu chữa cho các ca bệnh khó ngay cả khi còn nằm trong bụng mẹ.
“Nỗi đau sinh con không lành lặn, mang các dị tật bẩm sinh là nỗi đau sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời người làm cha, làm mẹ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để ngăn những giọt nước mắt đau thương của họ”, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh tâm sự.
Ngoài ra, Bệnh viện tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân khi tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao trình độ tay nghề của cán bộ y tế, định vị thương hiệu Bệnh viện với bạn bè đồng nghiệp trong nước, quốc tế.
Vào thời khắc chuyển giao sang năm mới Nhâm Dần, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chào đón những công dân nhí đáng yêu đầu tiên của năm. Riêng trong đêm 31/1, rạng sáng 1/2 (tức mùng 1 Tết), các bác sĩ tại đây đã đỡ đẻ thành công cho ba sản phụ.
Bé trai đầu tiên là Nguyễn Hùng Minh, con của sản phụ Nguyễn Thị Thu Phương (28 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh). Bé Minh chào đời ở tuần tuổi thứ 35, nặng 2,4 kg, do ê-kíp bác sĩ Lê Thị Hiếu đỡ đẻ thường.
Trong khi đó, bé Trần Minh Khang, con trai sản phụ Phùng Thị Lan (31 tuổi, ở Hoằng Phụ, Thanh Hóa) là hạt mầm được gieo bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bé chào đời ở tuần thai thứ 38, đẻ thường và nặng 3,2 kg.
Tại cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, các bác sĩ mổ bắt thai cho một sản phụ mắc Covid-19, chưa được tiêm vắc-xin.
Đó là chị Nguyễn Hải Linh, ở Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương. Sản phụ này nhập viện vào ngày 20/1, khi thai đã 37 tuần. Tối 31/1, ê-kíp thầy thuốc do bác sĩ Trương Minh Phương đứng đầu đã mổ bắt thai cho thai nhi 39 tuần tuổi.
Ngay khi chào đời, các bé đều được đặt da kề da với mẹ suốt 90 phút để nghe nhịp tim, giọng nói và hơi ấm của người mẹ. Hiện tại, sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định.