Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt hơn để kiểm tra hoạt động tại các DNNN.

Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt hơn để kiểm tra hoạt động tại các DNNN.

Cần kỷ luật sắt để chấn chỉnh nợ công

(ĐTCK-online) Châu Âu liên tiếp lộ diện những "quả bom" nợ, mà mới nhất là Italia. Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần thực thi kỷ luật sắt để chấn chỉnh hiệu quả sử dụng vốn công và vốn vay trái phiếu quốc tế. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế với nhiều năm kinh nghiệm ở nước ngoài, trao đổi với phóng viên.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của vốn vay nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam ?

Vốn vay nước ngoài là rất cần thiết trong thời điểm này, bởi dựa vào nội lực của Việt Nam để thực hiện đầu tư các dự án lớn sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, nợ nước ngoài nói riêng và nợ công nói chung tăng là vấn đề rất nguy hiểm từ những bài học chúng ta đang chứng kiến ở các nước châu Âu. Việt Nam nhất thiết phải kiểm soát tỷ lệ nợ công trong tầm khống chế được, bởi nếu không, cứ đà này, vài năm nữa, nợ công sẽ khó kiểm soát được. Với nợ vay nước ngoài bằng ngoại tệ, vấn đề càng phải chú ý hơn nhiều. Bởi vay ngoại tệ thì chúng ta phải trả nợ bằng ngoại tệ, làm giảm dự trữ ngoại hối, giảm khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường ngoại hối. Nợ công bằng ngoại tệ, theo quan điểm của tôi, nên được xếp mức độ rủi ro gấp đôi so với đồng nội tệ.

Cần kỷ luật sắt để chấn chỉnh nợ công ảnh 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Về mặt lý thuyết, nợ công chiếm khoảng 50% GDP là có thể chấp nhận và kiểm soát được. Vì thế, tôi cho rằng, nợ nước ngoài có thể ở mức cao nhất là 30% GDP.

Theo ông, hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài của Việt Nam thế nào?

Sử dụng vốn vay ngoại tệ, cũng như đầu tư công của Việt Nam được xem không hiệu quả. Chúng ta khó có thể đếm xuể các dự án đầu tư không hiệu quả. Tuy nhiên, có một vấn đề cần chú ý. Đó là việc kiểm soát vốn vay nước ngoài chặt chẽ hơn so với vốn huy động trong nước. Bởi vì các nhà tài trợ, các đối tác cho vay giám sát khá chặt chẽ. Trong trường hợp các phía sử dụng vốn vay không tuân thủ các quy định, họ sẽ bị báo động, nếu không khắc phục, có thể bị rút vốn vay.

 

Tới đây, khi các khoản vay nợ nước ngoài như khoản nợ của Vinashin đáo hạn, trong khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, Việt Nam nên xử lý như thế nào?

Việt Nam không thể giãn nợ mà phải tuân thủ các chương trình trả nợ để giữ uy tín, định mức tín nhiệm quốc gia. Tôi biết có những nhà đầu tư nước ngoài rất lớn đang quan sát các động thái tiếp theo của Vinashin để có quyết định đầu tư. Việc trả nợ cho Vinashin rõ ràng là một gánh nặng, nhưng giải pháp có thể cân nhắc là hợp tác với các tổ chức tài chính, các ngân hàng trong nước lập quỹ trả nợ cho Vinashin. Chính phủ có thể đại diện đứng ra tổ chức quỹ, đảm bảo có nguồn trả nợ cho các ngân hàng.

 

Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm nào để khắc phục việc sử dụng vốn vay không hiệu quả?

Biện pháp tức thì mà nhiều nước châu Âu đã làm là giảm chi tiêu công cho các chương trình trợ cấp xã hội, giáo dục… Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện ở Việt Nam do điều kiện an sinh xã hội của người dân ở mức rất thấp. Vì thế, Chính phủ cần kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư công, kể cả những dự án đang thực hiện nhưng không hiệu quả. Điều này không đòi hỏi sự hy sinh lớn của dân chúng nhưng đòi hỏi tính kỷ luật của chính quyền trung ương.

Để có "liều thuốc" cực mạnh đó, nhất thiết chúng ta phải xem xét lại việc phân quyền cấp phép đầu tư các dự án công cho chính quyền địa phương, cần kiểm soát chặt lại. Đây cũng là vấn đề được nhất trí cao trong cuộc gặp của Thủ tướng với 30 chuyên gia kinh tế hồi tháng 8 vừa qua.

Về phía các doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán nhà nước cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn, các con số về tình hình tài chính, đầu tư của doanh nghiệp cần được công bố một cách định kỳ năm hoặc quý, để từ đó, công chúng có thể giám sát, đánh giá và có ý kiến phản biện, đóng góp cho hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khối doanh nghiệp này.