Cần kiên định không trả lãi tiền gửi bằng USD

Cần kiên định không trả lãi tiền gửi bằng USD

(ĐTCK) Trước xu hướng tăng của USD, có ý kiến cho rằng, nên nâng trần lãi suất tiền gửi so với mức 0% hiện nay để "giữ chân" dòng vốn ngoại tệ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để ổn định tỷ giá, chống tình trạng đô-la hóa..., Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần kiên định với chính sách không trả lãi suất đối với tiền gửi bằng USD. 

Chính sách lãi suất 0% đối với USD là đúng đắn

Việc khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán khiến không ít người cho rằng, là do USD tăng giá và gửi USD sẽ nhận lãi suất hấp dẫn hơn, dòng kiều hối theo đó cũng sẽ quay ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất cao, khi mà Việt Nam đang duy trì lãi suất huy động USD ở mức trần 0%.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc khối ngoại bán ròng thời gian qua chủ yếu là để tái cơ cấu danh mục, chứ không xuất phát từ nguyên nhân USD tăng giá, đồng thời cũng không tác động nhiều đến dòng kiều hối.

Bởi thực tế, kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu chảy vào sản xuất, kinh doanh và đầu tư bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho hay, 7 tháng đầu năm 2018, kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 2,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 21% lượng kiều hối chuyển vào bất động sản.

Theo giới phân tích tài chính, việc áp lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD không những không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối, mà còn giúp ổn định tỷ giá, chống tình trạng đô-la hóa nền kinh tế...

Ông Andreas Hauskrecht, Giáo sư Trường Đại học Indiana Mỹ, thành viên Nhóm sáng kiến Việt Nam cho biết, do áp lực từ chương trình nới lỏng tài khoản và lạm phát gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa lãi suất.

"Sau 2 lần tăng lãi suất USD vừa qua, dự kiến từ nay đến hết năm 2019, Fed sẽ tăng thêm khoảng 4-6 lần nữa, với mức tăng thêm tổng cộng khoảng 1,25 điểm phần trăm để tiến tới mức bình thường trước khủng hoảng là 3,5% vào cuối năm 2019", giáo sư nói.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, điều đó không ảnh hưởng lớn đến đồng Việt Nam. Theo giáo sư Andreas Hauskrecht, tỷ giá không phải là điều đáng lo ngại nhất đối với Việt Nam. Đồng thời, chưa có dấu hiệu cho thấy dòng vốn ngoại sẽ rút khỏi Việt Nam khi thị trường này vẫn còn đang hấp dẫn.

“Để ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, Việt Nam cần kiên quyết trong việc chống đô-la hóa: Không trả lãi suất huy động USD và tiến tới chấm dứt huy động bằng ngoại tệ”, giáo sư nhấn mạnh.

Một thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho hay, cá nhân ông ủng hộ chính sách không trả lãi suất tiền gửi bằng USD của NHNN. Vì nếu trả sẽ là một sai lầm lớn, bởi sẽ khiến việc gửi tiền tiết kiệm bằng USD trở nên hấp dẫn, làm tăng tình trạng găm giữ ngoại tệ, tác động đến tỷ giá.

Việc áp lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD không những không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối, mà còn giúp ổn định tỷ giá, chống tình trạng đô-la hóa nền kinh tế...

CTCK Sài Gòn (SSI) nhận định, áp lãi suất USD ở mức 0% là một chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, NHNN cần thận trọng đối với việc tăng lãi suất USD của Fed trong thời gian tới, bởi động thái này sẽ nới rộng mức chênh lệch lãi suất giữa gửi USD và ngoại tệ khác tại các ngân hàng Việt Nam.

Điều này sẽ làm giảm nhu cầu chuyển tiền, hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam và là một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối giảm. Về mối liên quan giữa việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài và mức lãi suất 0% đối với USD, theo SSI, ít có sự liên hệ trực tiếp.

Duy trì chủ trương không trả lãi đối với USD

Tuy giá USD được dự báo tiếp tục tăng, nhưng giới phân tích tài chính nhìn nhận, việc giảm giá tiền đồng sẽ vẫn được NHNN kiểm soát tốt, quanh mức 1,5-2% trong năm nay nhờ tình hình vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục (đạt 63,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm), bên cạnh những chính sách tiền tệ linh hoạt.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Fed đã 2 lần tăng lãi suất, cùng với đó là các dự báo tỷ giá tiền đồng sẽ biến động không dưới 3%. Thế nhưng, trên thực tế, biến động tỷ giá đã được kiểm soát, với mức tăng gần 2%, giúp hạn chế tình trạng doanh nghiệp “găm” ngoại tệ để chờ tỷ giá tăng.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, để thúc đẩy mục tiêu chống đô-la hóa, các ngân hàng muốn mọi giao dịch được thực hiện bằng tiền đồng.

Do đó, thay vì gửi tiết kiệm bằng USD, khách hàng nên chuyển sang gửi bằng VND để hưởng mức lãi suất tiền gửi cao hơn. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi VND dao động từ 4,6-7,5%/năm tùy từng kỳ hạn và mức tiền gửi.

Lãnh đạo NHNN cho rằng, để thu hút được nguồn lực không phải là tiền đồng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị tiền đồng đóng vai trò then chốt.

"Khi VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, thì các nhu cầu tích trữ, dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng... sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên. Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ không nâng lãi suất tiền gửi bằng USD so với mức 0% hiện nay.

Đồng thời, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế tiền đồng, củng cố niềm tin của người dân vào đồng nội tệ", vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Tin bài liên quan