Trường hợp cổ phiếu SGS của CTCP Vận tải biển Sài Gòn là một ví dụ. Theo bản công bố thông tin thì SGS có vốn điều lệ 144 tỷ đồng, cổ tức trong 3 năm gần nhất trung bình 3%/năm. Kế hoạch lợi nhuận năm 2010 là 6 tỷ đồng (4%/vốn điều lệ), cổ tức 1,47%. Kế hoạch lợi nhuận và cổ tức năm 2011 lần lượt là 9 tỷ đồng và 5%. Có thể thấy, SGS là một công ty có kết quả kinh doanh ở mức thấp trong ngành vận tải biển - một ngành đang gặp khó khăn do giá cước vận tải trên thế giới đang ở mức thấp.
SGS lên sàn UPCoM ngày 22/12/2010. Liên tục trong các ngày 22, 23 và 24/12/2010, mỗi ngày có hàng trăm ngàn cổ phiếu SGS được đặt bán ở các mức giá từ 11.500 - 13.500 đồng/CP, nhưng không tìm được người mua, bởi bên mua chỉ đặt mua ở mức giá dưới mệnh giá. Trong 3 ngày giao dịch đầu tiên, mã SGS không có cổ phiếu nào được khớp, nên không xác lập được giá tham chiếu cho ngày hôm sau, mà vẫn được "thả nổi". Đến ngày 27/12/2010, vào những phút đầu tiên của phiên giao dịch bỗng xuất hiện 2 giao dịch khớp lệnh với mức giá cao bất thường, 120.000 đồng/CP và 150.000 đồng/CP.
NĐT cá nhân chúng tôi nghi ngờ rằng, mức giá khớp cao bất thường này là hiện tượng làm giá, nhằm tạo ra giá tham chiếu cao cho ngày hôm sau. Chỉ vài phút sau đó, có nhiều lệnh bán giá thấp xuất hiện ở mức 11.500 - 12.000 đồng/CP, chỉ bằng 1/10 so với mức giá vừa khớp trước đó. Tuy vậy, những lệnh bán giá thấp này (phản ánh trung thực hơn giá trị của cổ phiếu SGS) cũng rất khó tìm được người mua.
Kết thúc phiên giao dịch, vẫn còn rất nhiều cổ phiếu SGS dư bán ở giá 11.600 đồng/CP. Tuy nhiên, do có 2 lệnh khớp ở mức giá cao bất thường vào đầu phiên giao dịch nên giá trung bình của cổ phiếu SGS là 100.100 đồng/CP, tạo ra giá tham chiếu cho phiên sau là 100.100 đồng/CP.
Việc xuất hiện 2 giao dịch cổ phiếu SGS với giá cao bất thường ở đầu phiên 27/12/2010 có phải là giao dịch làm giá hay không? Tôi cho rằng, giao dịch mua cổ phiếu SGS với mức giá cao như vậy chỉ có thể có một trong hai nguyên nhân: có sự nhầm lẫn trong thao tác nhập lệnh, hoặc đây là một sự làm giá trắng trợn. Ngành vận tải biển đang gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của ngành này hiện nay không cao. Trong khi nhiều cổ phiếu khác của ngành vận tải biển trên 2 sàn niêm yết HOSE và HNX đều loanh quanh ở mức giá 1x, thậm chí có cổ phiếu như VTO được giao dịch dưới mệnh giá, thì việc một cổ phiếu có kết quả kinh doanh kém như SGS trên sàn UPCoM lại có mức giá cao "khủng khiếp" là quá bất thường, Sở GDCK Hà Nội cần có biện pháp xử lý. Đặc biệt, hai lệnh khớp ở mức giá cao bất thường (120.000 và 150.000 đồng/CP) của cổ phiếu SGS và biến động giá sau này của nó sẽ làm "méo mó" chỉ số UPCoM-Index.
Hiện tượng SGS gây xôn xao dư luận trong giới đầu tư cá nhân chúng tôi. Chúng tôi kiến nghị Sở GDCK Hà Nội và cơ quan quản lý xem xét huỷ bỏ kết quả giao dịch ở mức giá cao bất thường của cổ phiếu SGS nêu trên để trả lại cho cổ phiếu này mức giá tham chiếu hợp lý hơn, góp phần tạo dựng niềm tin cho NĐT về sự vận hành hiệu quả và minh bạch của TTCK Việt Nam. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng nên nghiên cứu biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và kiểm soát tốt hơn những giao dịch bất thường tương tự như vậy.