Khối ngoại đang bán ròng ở các mã lớn như VCB, MSN, HPG, GAS, PVD

Khối ngoại đang bán ròng ở các mã lớn như VCB, MSN, HPG, GAS, PVD

Cần kiểm soát dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, điều quan ngại nhất hiện nay là khối NĐT nước ngoài đang bán ròng ở các mã lớn, nhưng sớm muộn gì thì khối ngoại cũng sẽ quay lại mua ròng. 
 

Với những điều kiện và quan điểm chính sách hiện nay, thu hút vốn ngoại vào TTCK không khó, vấn đề là phải kiểm soát được dòng vốn “nóng”. 

TTCK vẫn bị tác động nhiều bởi dòng tiền dẫn dắt của khối ngoại. Việc khối ngoại bán ròng liên tiếp gần đây được xem là tác nhân khiến thị trường có xu hướng đi xuống. Ông dự báo ra sao về động thái của dòng vốn này trong thời gian tới?

Theo thống kê giao dịch trên HOSE trong tháng 3, giao dịch của khối ngoại là bán ròng (ngược với sàn HNX), dù bên mua cũng tăng khối lượng lệnh đặt. Có lẽ, lý do lớn nhất của việc bán ròng này là sự rút bớt vốn của dòng vốn nóng, bao gồm các quỹ ETF, quỹ đầu cơ (hedgefund), thậm chí là đầu tư bên ngoài biên giới thông qua ngân hàng lưu ký nước ngoài, do lo ngại Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều mà tôi quan ngại nhất hiện nay là khối ngoại đang bán ròng ở các mã lớn như VCB, MSN, HPG, GAS, PVD. Ở một số mã như VCB hay MSN, lệnh bán của khối ngoại chiếm tỷ trọng 40 - 50% tổng khối lượng lệnh, tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu cũng như VN-Index. Có người nói rằng, vốn ngoại tại các quỹ ETF giống như quả bom lơ lửng trên 2 sàn chứng khoán, có lẽ cũng đúng.

Trong thời gian tới, xét về mặt định tính, vốn ngoại sẽ quay lại mua ròng, vì những lý do: kỳ vọng mở room; kinh tế Việt Nam đang hồi phục; triển vọng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác được ký kết; Nhà nước có các chính sách thông thoáng hơn cho NĐT nước ngoài (ví dụ, chính sách trong lĩnh vực bất động sản). Tuy nhiên, chúng ta chưa đưa ra được những con số định lượng. Thậm chí, giao dịch của khối ngoại trên 2 sàn niêm yết, chúng ta còn không tách bạch nổi bao nhiêu phần trăm là dòng vốn ngắn hạn, bao nhiêu là đầu tư dài hạn vào DN niêm yết. Do đó, tôi nghĩ, với những điều kiện và quan điểm chính sách hiện nay thì thu hút vốn ngoại vào TTCK không khó. Vấn đề là nếu không kiểm soát được dòng vốn nóng, thị trường có thể tăng, nhưng mong manh, bấp bênh.

Ông Hoàng Thạch Lân

Hiện không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường ngoài thông tin về ĐHCĐ của các DN niêm yết. Theo ông, NĐT thường kỳ vọng gì từ những cuộc họp này?

Thường thì khi họp ĐHCĐ, NĐT quan tâm nhất ở 2 nội dung: kế hoạch sản xuất - kinh doanh và chính sách cổ tức. Năm nay, dự báo 2 nội dung này sẽ càng “nóng”, bởi từ góc độ DN, với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô công bố cho đến nay, thật khó đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thấp hơn năm trước (trừ ngành dầu khí). Đối với cổ đông, kết quả hoạt động của nhiều công ty trong năm 2014 tốt hơn năm 2013, do đó họ muốn được nhận mức cổ tức cao hơn.

Có ý kiến cho rằng, sự “dễ dãi” của các cổ đông tại mùa ĐHCĐ đã giúp cho nhiều DN thực hiện kế hoạch tăng vốn “khủng” trong năm 2014 và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Theo ông, các DN tăng vốn lớn sẽ tác động như thế nào đến thị trường và cổ phiếu của DN?

Tăng vốn là nhu cầu của rất nhiều DN và tôi ủng hộ xu hướng này. Nếu các công ty lớn như VNM, VIC, MSN tăng vốn theo tỷ lệ 1:1 thì có lẽ vẫn tốt cho cả DN và TTCK. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách tăng vốn và ở không ít DN mà tôi không tiện nêu tên, đúng là có chuyện cổ đông dễ dãi khi để cho lãnh đạo DN có quá nhiều quyền quyết định. Chứng cứ cho sự dễ dãi có thể là: không tham dự ĐHCĐ, tham dự và nêu câu hỏi thắc mắc, nhưng không truy vấn lãnh đạo DN đến cùng về những dự án đang cần vốn, hay dễ dàng cho phép HĐQT được ủy quyền quyết định nhiều nội dung.

Ngoài ra, cũng phải nói đến hiện tượng công ty niêm yết có cơ cấu tài chính rất “sạch” trước khi tăng vốn. Rõ ràng, họ tăng vốn để thực hiện dự án, chứ không phải để đảo nợ hay cấn nợ. Điều này về lý thuyết là tốt cho DN. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ở một số DN nhất định, dường như chủ DN đang làm một ván bài lớn, với nguồn lực to lớn từ các cổ đông mà trong đó, họ chỉ thực sự góp 15 - 20%. Nếu thắng, không phải tất cả cùng thắng (tổng lợi nhuận tăng lên, nhưng EPS và cổ tức không tăng do đã bị pha loãng), nhưng họ có thể thắng nhiều hơn. Nếu thua, họ chỉ mất 15 - 20%, thậm chí có khi không mất mát gì. Do đó, nếu không làm rõ ngay tại ĐHCĐ, thì đối với những NĐT nhỏ lẻ, sẽ có rủi ro là giá cổ phiếu mãi dao động ở vùng thấp, dù lợi nhuận của công ty niêm yết tăng trưởng.

Tin bài liên quan