"Râm ran" hạ lãi suất điều hành
Cuối tháng 4/2023, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Ngày 1/5, khi hết chương trình giảm lãi suất 4 tháng đầu năm 2023, Vietcombank sẽ công bố tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân hiện hữu trong 3 tháng tới”.
Được biết, sáng ngày cuối cùng làm việc trước kỳ nghỉ lễ vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng, trong đó có bàn về việc giảm lãi suất. Sang buổi chiều, thị trường râm ran thông tin cơ quan quản lý sắp ban hành quyết định về việc giảm lãi suất điều hành khoảng 0,5%. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ chưa thấy quyết định này.
Quay lại quyết định hạ lãi suất của Vietcombank, lãnh đạo Ngân hàng lý giải, chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, đồng thời hỗ trợ các khách hàng đã đồng hành cùng Vietcombank trong suốt thời gian qua.
“Kinh tế khó khăn” là cụm từ được đề cập nhiều trong khoảng thời gian dài vừa qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục khi chưa nhìn thấy “ánh sáng” cuối con đường. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4/2023 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3/2023 và giảm 8,3% so với tháng 4/2022.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với 4 tháng đầu năm 2022. Mức xuất siêu của ngành nông lâm ngư nghiệp là 2,51 tỷ USD, giảm 37,7% so với cùng kỳ.
Không chỉ kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm sâu, mà kim ngạch thủy sản trong tháng 4/2023 cũng giảm mạnh, chỉ đạt 800 triệu USD, giảm 28,6 so với cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát cao tại không ít nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...), làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.
Ngoài ra, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng nguồn cung trên thị trường, trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu năm 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… vẫn còn khiến nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới. Giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản biến ở mức cao, ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất - kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài cho biết, công việc hiện tại khá u ám, bởi doanh nghiệp không có nhiều nhu cầu trong dịch vụ ngân hàng, nhìn về phía trước còn “mệt” hơn.
“Mỹ hay châu Âu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng. Hiện tại, các nền kinh tế vẫn khá ổn, nhưng thời gian tới, lãi suất cao sẽ càng ngày càng tác động nhiều hơn, tăng trưởng kinh tế chậm dần và suy giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm. Khi đó, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn, xuất khẩu, nhập khẩu dự kiến giảm mạnh hơn”, vị lãnh đạo ngân hàng nước ngoài nói.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động đến xu hướng thắt chặt chi tiêu các sản phẩm không thiết yếu, khiến nhu cầu nhập khẩu có thể giảm mạnh hơn. Việt Nam cần sớm có kịch bản riêng để mọi việc không trở nên xấu đi, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo công ăn việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế.
“Giảm mặt bằng lãi suất huy động, người dân sẽ hạn chế việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng, kích thích nhu cầu tiêu dùng và người có nhu cầu vay vốn sẽ sẵn sàng vay vốn nhiều hơn. Nói cách khác, giảm lãi suất huy động sẽ giúp mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, vay nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn…, là điều phù hợp trong bối cảnh hiện tại”, vị lãnh đạo ngân hàng ngoại nêu quan điểm.
Cần tiếp tục hạ lãi suất
Việt Nam cần sớm có kịch bản riêng để mọi việc không trở nên xấu đi.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, các ngân hàng đã đối mặt với năm 2022 nhiều khó khăn khi tính đến 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,85% so với cuối năm 2021, thấp xa so với tốc độ tăng 14,8% năm 2019 và cả những năm chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19 như năm 2020 (tăng 14,5%) hay năm 2021 (tăng 10,7%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng vỏn vẹn 5,99%, cũng thấp xa so với tốc độ tăng 15,4% năm 2019 hay 14,9% năm 2020 và 10,3% năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2022 đạt trên 14%, cao hơn mức tăng 12,2 - 13,6%/năm trong giai đoạn 2019 - 2021.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tới toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu đến tính thanh khoản, chất lượng tài sản và giá cổ phiếu của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 giảm mạnh. Tính đến ngày 27/12/2022, VN-Index còn 993,7 điểm, giảm 33,68% so với cuối năm 2021; mức vốn hóa thị trường khoảng 5,263 triệu tỷ đồng (tính đến ngày 15/12/2022), giảm 32,2% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân 20.410 tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm 2021.
Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, ngoại trừ trường hợp SCB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt ngày 15/10/2022 cùng với hiện tượng rút tiền ồ ạt từ ngân hàng này thì có 28 ngân hàng đạt tổng lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 196.450 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2021. Rõ ràng, nhờ kiểm soát tốt lạm phát và có chính sách tiền tệ đúng đắn nên hệ thống ngân hàng duy trì hoạt động tốt, vượt qua thách thức từ lạm phát toàn cầu và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Đáng chú ý, đón đầu chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm 0,5 - 1% tất cả các loại lãi suất điều hành, ngoại trừ lãi suất tái cấp vốn, khi áp lực lên tỷ giá hối đoái giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm thêm 0,3 - 0,5% các lãi suất điều hành, cho thấy tín hiệu đảo chiều chính sách đã bật và có thể trở thành xu hướng vững chắc cùng với phản ứng tích cực của thị trường.
“Mặc dù vậy, khả năng thanh khoản của nền kinh tế vẫn bị hạn chế khi đến ngày 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%) và huy động vốn tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%), còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%) và tính đến 28/3/2023 tăng 2,06%)”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm, cần tiếp tục hạ lãi suất và tỷ lệ hạ có thể là 0,5%.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/5/2023, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất (huy động, cho vay) sau nhiều lần thúc giục từ cơ quan quản lý. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động hiện nay giảm bình quân 1 - 1,2%/năm, lãi suất cho vay giảm 0,5 - 0,65%/năm so cuối năm ngoái. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm tốt hơn, từ 1-1,5%/năm với lãi suất huy động và 1,5 - 2%/năm với cho vay.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại, bình quân lãi suất cho vay là 9,56%/năm, thấp hơn 0,41%/năm so với cuối năm 2022.