Cần không gian đủ rộng giúp địa phương thực hiện mục tiêu tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Cho rằng, nếu phần lớn địa phương đạt tăng trưởng GRDP trên 8% và cao hơn trong năm nay thì GDP cả nước chắc chắn đạt trên 8% và cao hơn, song TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, đây là mục tiêu cao, cần không gian đủ rộng để các địa phương thực thi nhiệm vụ.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Cho rằng, nếu phần lớn địa phương đạt tăng trưởng GRDP trên 8% và cao hơn trong năm nay thì GDP cả nước chắc chắn đạt trên 8% và cao hơn, song TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, đây là mục tiêu cao, cần không gian đủ rộng để các địa phương thực thi nhiệm vụ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/2025/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Lần đầu tiên, cơ chế “khoán tăng trưởng” được thực hiện, thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng chung cho cả nước như mọi năm. Đây là sự thay đổi lớn về tư duy trong điều hành kinh tế vĩ mô, thưa ông?

Có thể nói, đây là phương thức điều hành kinh tế vĩ mô đúng theo yêu cầu phân cấp mạnh, toàn diện cho địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Phải nói rõ, theo các quy hoạch phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương đều đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10%. Các quy hoạch cũng đã xác định các nhiệm vụ đột phá, các định hướng phát triển ngành, vùng, cùng danh mục dự án đầu tư ưu tiên… để đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên.

Như vậy, trên thực tế, các địa phương đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao và nhận thức rõ nhiệm vụ phải thực hiện.

Nhưng, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/2025/NQ-CP, một mặt triển khai cơ chế “khoán tăng trưởng”, xác định trách nhiệm thực thi, cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương, nhưng mặt khác, cũng xác định trách nhiệm của Chính phủ trong hỗ trợ địa phương đạt các mục tiêu tăng trưởng. Vì nếu phần lớn các địa phương đạt tăng trưởng GRDP trên 8% và cao hơn trong năm nay, thì GDP cả nước chắc chắn đạt trên 8% và cao hơn. Tương tự, nếu muốn tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo, thì phần lớn địa phương cũng phải có được mức tăng trưởng GRDP trên 10%...

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế, trong nước còn khó khăn, thì mục tiêu giao các địa phương năm nay là cao, thậm chí rất cao. Trong danh sách 17 địa phương được giao tăng trưởng ở mức 2 con số, có một số địa phương mới đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2024?

Đồng ý là mục tiêu cao, tạo áp lực mạnh, buộc các lãnh đạo địa phương, cụ thể là các bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố phải dốc hết sức lực và trí tuệ, phải lao tâm khổ tứ, phải thu phục nhân tâm, phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ khác và làm khác để đạt mục tiêu.

Nhưng mục tiêu cao cũng đòi hỏi động lực hợp lý và không gian đủ rộng để các địa phương phát huy tài năng và thực thi nhiệm vụ được giao.

Theo ông, không gian đó có thể là gì?

Chính là việc thực hiện phân cấp triệt để, toàn diện cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Điều đó có nghĩa là, địa phương không chỉ được quyết “làm gì”, mà có quyền quyết cả “làm thế nào” mà không phải xin ý kiến, không cần chấp thuận, hay phê duyệt của cơ quan trung ương, cơ quan cấp trên.

Quan điểm của tôi là, có thể làm rõ không gian này theo hướng, trường hợp phải thay đổi, bổ sung quy hoạch… thì lãnh đạo tỉnh, các bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh có quyền yêu cầu hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận, sau đó báo báo Thủ tướng Chính phủ.

Địa phương cần được xác định rõ là được quyền áp dụng, thực thi linh hoạt quy định pháp luật. Nghĩa là, trường hợp quy định pháp luật về cùng một vấn đề có sự chồng chéo, khác nhau…, thì được quyền chọn quy định phù hợp nhất để áp dụng giải quyết vấn đề liên quan. Trường hợp pháp luật chưa quy định, hoặc quy định chưa rõ ràng, thì được quyền áp dụng cách thức hợp lý, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề liên quan…

Thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền cũng phải được quy định rõ là theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả tổng thể, không đánh giá theo quy trình, quy định; không vì một thất bại hay không thành công tại một dự án, mà phủ nhận kết quả đạt được mục tiêu tổng thể thể hiện qua các chỉ tiêu nói trên…

Nhưng đang xuất hiện những lo ngại về khả năng sẽ có sự cạnh tranh tăng trưởng giữa các địa phương như đã từng xảy ra, thưa ông?

Đây là vai trò của Trung ương. Phải đảm bảo sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng khi thực hiện các dự án vùng; không để tình trạng địa phương này vì sự phát triển của địa phương mình mà ngăn chặn kết nối, hạn chế không gian và cơ hội phát triển của địa phương khác.

Thậm chí, trường hợp cần thiết, Chính phủ thực hiện bảo lãnh để các địa phương vay thêm vốn đầu tư các dự án quan trọng, không thể thiếu vốn, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Cũng phải nói thêm, mục tiêu tăng trưởng 10% ổn định trong 10-20 năm là rất cao và rất khó đạt được. Khoán tăng trưởng chỉ là một trong số các giải pháp cần phải thực hiện. Nhưng tôi kỳ vọng, việc này sẽ được chính thức hóa, bắt đầu từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Cụ thể, giao các chỉ tiêu cho địa phương, gồm tăng trưởng GRDP, số việc làm mới và thu nhập bình quân đầu người tương ứng. Đây chính là việc giao nhiệm vụ cho lãnh đạo địa phương nhiệm kỳ 2026-2030.

Tin bài liên quan