Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Cần hướng sự hỗ trợ về phía doanh nghiệp

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đưa ra nhận định, nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.

Theo ông, lãi suất cho vay cần giảm xuống đến mức nào thì doanh nghiệp mới có thể sống được?

Lãi suất cho vay doanh nghiệp kỳ vọng xuống mức 8 -10%/năm, vì thế, đòi hỏi lãi suất đầu vào phải giảm thêm. Vì thực tế hiện nay, lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vẫn cao hơn mức 11 - 12%/năm. Lãi suất cho vay trung hạn tuy có giảm, nhưng vẫn còn khá cao và áp lực đối với các doanh nghiệp. Việc các ngân hàng cho vay ra với lãi suất cao có thể lý giải là do trước đây, họ phải huy động với lãi suất cao nên không thể ngay lập tức giảm sâu lãi suất cho vay,  mà cần có độ trễ về thời gian.

Tuy nhiên, lãi suất không phải vấn đề lớn nhất với các DN lúc này. Vấn đề quan trọng hơn là phải giải được bài toán hàng tồn kho đang tăng cao.

 

Ông đánh giá thế nào về xu hướng lãi suất trong thời gian tới? Liệu lãi suất có giảm sâu?

Trong thời gian tới, nếu lạm phát vẫn theo chiều hướng đi xuống, lãi suất huy động tiếp tục được giảm thêm, thì lãi suất cho vay ra của các ngân hàng cũng phải điều chỉnh, nguồn vốn được khơi thông.

Song có một vấn đề cần lưu ý là nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát thì khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ rất khó. Vì nếu giảm mạnh lãi suất, nguy cơ lạm phát quay trở lại là điều khó tránh khỏi. Một trong những biện pháp chống lạm phát là thắt chặt tín dụng, giữ lãi suất cao. Trong khi đó, muốn khơi thông được dòng vốn để chống suy thoái, buộc phải giảm lãi suất. Như vậy, sẽ có mâu thuẫn trong quá trình điều hành lãi suất để có thể hài hòa được cả hai mục tiêu. Chọn phương pháp nào cũng dễ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Để chống suy thoái buộc phải đưa lãi suất xuống thấp, nhưng đưa lãi suất xuống lại khó đạt được mục tiêu chống lạm phát. 

 

Vậy theo ông, nên chọn giải pháp nào?

Tôi cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất mà chính sách tiền tệ cần hướng tới là tạo công ăn việc làm cho người lao động, khôi phục sản xuất - kinh doanh, chứ không phải là chỉ số giá gia tăng như thế nào. Chúng ta phải hiểu rằng, nguyên nhân dẫn đến lạm phát của Việt Nam là xuất phát từ chính sách tài khóa và đầu tư công, chính sách tiền tệ. Nếu không thắt chặt chính sách tài khóa và đầu tư công của Nhà nước mà thắt chặt chính sách tiền tệ thì sẽ rất “kẹt” cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân. Thực tế, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn.

Kinh tế 2013 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục bị loại khỏi thị trường. Các ngân hàng đang khó khăn, DN thiếu vốn phải cắt giảm sản xuất. Nếu không có giải pháp “hà hơi tiếp sức” cho các DN, khu vực kinh tế tư nhân sẽ thu hẹp, ảnh hưởng tới sự phát chung.

 Cần hướng sự hỗ trợ về phía doanh nghiệp ảnh 1

Có ý kiến cho rằng, nếu trần huy động giảm sâu về dưới mức hiện nay sẽ khó huy động được vốn. Theo ông, có nên giảm sâu trần lãi suất huy động, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng chảy tín dụng và giúp nền kinh tế hấp thu được vốn?

Để đối phó với tình hình suy thoái kinh tế thì hệ thống không thể kỳ vọng nhiều vào huy động tiết kiệm. Kinh nghiệm đối phó với suy giảm kinh tế của các nước trên thế giới là giảm lãi suất xuống mức thấp. Thậm chí, có quốc gia còn đưa lãi suất huy động về mức 0%/năm, nhằm khuyến khích tiêu dùng của người dân và như thế mới gọi là kích cầu. Vì khi tiêu dùng tăng, sản xuất mới có thể tăng lên, thay vì sức mua yếu, tồn kho tăng như hiện nay. Do đó, để chống suy thoái, chúng ta không thể trông chờ vào nguồn vốn huy động mà kỳ vọng vào chức năng tạo tiền của Ngân hàng Trung ương. Có nghĩa là, Ngân hàng Trung ương phải hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để bơm tín dụng lãi suất thấp ra thị trường.

Tất nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi và nếu không thận trọng trong việc cung ứng tiền sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát và nguy cơ tái lạm phát rất lớn, nên chính sách này chỉ có thể áp dụng khi suy thoái ngày càng lớn. Còn với diễn biến thị trường hiện nay, khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán đang trong tình trạng đóng băng, trầm lắng, lãi suất huy động nếu có giảm nhẹ thì  dòng tiền tiết kiệm cũng sẽ khó chuyển hướng. Trong lúc này, tiết kiệm vẫn đạt được mức lãi tương đối và lãi suất tiền gửi hiện nay cũng đã tốt cho kênh huy động vốn của ngân hàng. Vấn đề cần ưu tiên trong lúc này là làm thế nào để đưa được lãi suất về 9 - 10%/năm.

 

Liệu tín dụng trong nửa cuối năm được cải thiện tốt hơn nhiều so với hiện nay?

Chính sách lãi suất cho vay được nhận định sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng hiện nay không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất, mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng. Bên cạnh đó, môi trường sản xuất - kinh doanh cũng là một trong những yếu tố quyết định việc tăng trưởng tín dụng. Nếu nền kinh tế trên đà hồi phục thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng vay vốn đầu tư cho sản xuất và kinh doanh, thay vì ngưng trệ như hiện nay, doanh nghiệp vay vốn không biết để làm gì.

Nợ xấu tăng cao đòi hỏi các ngân hàng phải thận trọng. Nếu doanh nghiệp đã vướng vào nợ xấu ngân hàng sẽ khó rót thêm vốn cho vay. Còn với doanh nghiệp mới, chưa vướng vào nợ xấu, nhưng trong lúc này họ cũng phải xem xét đến yếu tố thị trường có tiêu thụ được hàng hóa hay không mới tính đến việc vay vốn ngân hàng.

 

Để kiểm soát và xử lý được nợ xấu, ngân hàng phải hành động như thế nào, thưa ông?

Hiện nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ do hoạt động không hiệu quả, hoặc đã rơi vào tình trạng bị phá sản. Nhưng đối với các khoản vay của ngân hàng đều có tài sản đảm bảo. Do đó, để giải quyết nợ xấu trong bối cảnh này, các ngân hàng cũng phải chung sức cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn, với doanh nghiệp còn có thể hoạt động được, nhưng chưa có khả năng trả nợ thì có thể giãn nợ cho họ. Vì thế, NHNN cần có sự thay đổi về các quy định hỗ trợ cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Bởi các quy định về cho vay trước đây rất thắt chặt, nếu doanh nghiệp đã có nợ quá hạn thì không thể tiếp tục cho vay. Song trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn hiện nay, đòi hỏi phải có sự linh hoạt để hỗ trợ những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi, nhưng thiếu vốn đầu tư. Nếu doanh nghiệp sống được thì ngân hàng cũng mới sống tốt. Ngược lại, với các doanh nghiệp đã “chết” thì ngân hàng có thể tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn.

Tuy nhiên, khó khăn đối với các ngân hàng trong việc xử lý tài sản thế chấp và phát mãi tài sản hiện nay là bán cho ai, bán như thế nào, với giá nào và khách hàng có hợp tác hay không. Vì tài sản đảm bảo trước đây được định giá cao khi thị trường còn tăng trưởng, nhưng nay đã suy giảm giá trị. Mặt khác, xử lý tài sản đảm bảo cũng chưa hẳn thu đủ số tiền đã cho vay trước đây. Đó là tình trạng chung của cả hệ thống ngân hàng hiện nay và việc xử lý nợ xấu không thể dựa vào việc bán tài sản thế chấp, mà đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ và các bộ, ngành.