Liên quan đến việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ PPP sang đầu tư công, ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc chọn hình thức đầu tư, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT.
“Với chúng tôi, điều quan trọng vẫn là phải chọn được phương án tối ưu nhất để triển khai và đưa dự án về đích đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022, nhằm đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ”, ông Thủy khẳng định.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết là đã từng có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó nêu rõ phương án, kế hoạch thực hiện để thông tuyến vào cuối năm 2021.
“Dựa trên những tính toán và đề xuất khá cụ thể của chúng tôi sẽ tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối hợp nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án gần một nửa thời gian để kịp hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn được 2 năm 2 tháng) giảm gánh nặng cho người dân”, ông Thủy thông tin.
Liên quan đến việc Bộ GTVT vừa trao quyết định đầu tư cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thay thế cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), ông Thủy cho rằng việc quyết định hình thức đầu tư hay quyết định chuyển đơn vị quản lý dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT. Tập đoàn Đèo Cả ủng hộ phương án chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm để có thể sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, mối quan tâm hàng đầu của đơn vị đang tham gia quản lý Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành và chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của người dân và cán bộ công nhân viên đang trực tiếp lao động tại Dự án.
Hiện dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc huy động nhân công, cung cấp vật liệu cho Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong khi các tồn tại liên quan thủ tục để bố trí, giải ngân phần vốn NSNN hỗ trợ (còn 410 tỷ ) chưa được xử lý dứt điểm; việc cấp phép khai thác vật liệu chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.
“Đáng lo ngại là các đầu mối cung cấp vật liệu tại địa phương như cát, đá… hiện đang có dấu hiệu lợi dụng tình trạng khó khăn để ép giá, làm cẩu thả. Điều đó sẽ gây hậu quả xấu cho Dự án về lâu dài”, ông Thủy cho biết.
Được biết, tại Thông báo số 147/TB – VPCP ngày 7/4/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng đánh giá việc sớm triển khai đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực vận tải trên trục cao tốc quan trọng này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ GTVT chuyển đổi sang hình thức đầu tư công theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc áp dụng cơ chế như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công để đạt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu vốn chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.