Nhà nhỏ như vậy đã xuất hiện ở một số dự án, nhưng chỉ giới hạn ở các tỉnh và nhà ở xã hội, cho phép nhà ở thương mại tại các thành phố cũng nhỏ như hộp diêm đang gây ra nhiều ý kiến lo ngại.
Theo quy định của Luật Nhà ở, diện tích tối thiểu đối với nhà thương mại hiện nay là 45 m2, nhà ở xã hội phải trên 39 m2. Các văn bản hướng dẫn nới tay hơn cho nhà ở xã hội khi quy định diện tích tối thiểu mỗi căn hộ là 30 m2.
Đại diện của Bộ Xây dựng mới đây trao đổi với báo giới cho biết, Bộ đã đưa ra đề xuất gửi liên bộ cho phép sửa đổi nghị định về nhà ở. Trong đó, chú trọng tăng sản phẩm nhà ở có quy mô nhỏ, cụ thể sẽ cho phép xây dựng căn hộ diện tích 25 m2 áp dụng với nhà ở thương mại trong các dự án.
Tỷ lệ nhà mini như vậy dao động khoảng 15 - 20% lượng căn hộ tại các dự án. Căn hộ diện tích nhỏ không đồng nghĩa với chất lượng kém, do đó lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, không nên lo ngại khu chung cư được phép xây dựng căn hộ 25 m2 biến thành các khu ổ chuột. Hơn nữa, loại hình nhà ở này dự kiến bán rất chạy do phù hợp với túi tiền người dân.
Hiện nay, căn hộ mini xây dựng với quy mô lớn đã có, đơn cử như cụm nhà ở xã hội thuộc các khu đô thị của Becamex Bình Dương. Mỗi căn hộ tại đây chỉ có diện tích 20 m2, cộng thêm một gác xép diện tích 10 m2 và được tính chung là 20 m2.
Mức giá hướng tới thu nhập trung bình của người lao động khi mỗi căn hộ chỉ từ 90 triệu đồng/căn đã xây dựng hoàn thiện (chưa bao gồm thuế GTGT). Người mua sẽ thanh toán nhiều đợt theo tiến độ xây dựng, đồng thời được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà gắn liền với đất ở lâu dài khi hoàn tất nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Becamex Bình Dương dự kiến xây dựng khoảng 64.700 căn hộ, phục vụ cho khoảng 164.000 người.
Giới kiến trúc sư thì tỏ ra không ủng hộ đề xuất cho phép xây căn hộ 25 m2 của Bộ Xây dựng
Mới đây, dự án FPT City tại Đà Nẵng gây tranh cãi khi đưa ra thị trường sản phẩm căn hộ dưới 45 m2. Trước đó, Bộ Xây dựng không ủng hộ đề xuất của Công ty Địa ốc Đất Lành về xây dựng căn hộ diện tích 30 m2. Tại sao các cơ quan quản lý xây dựng lại nhanh chóng có sự thay đổi như vậy?
Giới kiến trúc sư thì tỏ ra không ủng hộ đề xuất mới của Bộ Xây dựng và cho rằng, căn hộ 20 - 30 m2 là sai quy định hiện hành ở Việt Nam. Với diện tích nhỏ như vậy, thiết kế chỗ ăn, ngủ, nấu nướng, khu vệ sinh trong căn hộ sẽ rất khó khăn và không đảm bảo chất lượng sống của cư dân. Khi nhu cầu có, không loại trừ chủ nhân của các căn hộ sẽ tận dụng các diện tích chung để sử dụng và dễ phát sinh tranh chấp. Hơn nữa, Luật Nhà ở khi đưa ra diện tích các căn hộ tối thiểu đã được tính toán trên các cơ sở khoa học tương ứng theo chiến lược nhà ở, các quy định về quy mô dân số khu vực nội đô, kiến trúc đô thị… Nhiều kiến trúc sư tỏ ra lo ngại về các khu ổ chuột trong tương lai, bởi căn hộ siêu nhỏ rất dễ xuống cấp.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ Xây dựng về việc dẫn chiếu mô hình nhà siêu nhỏ thành công tại Trung Quốc thực ra rất khó áp dụng tại Việt Nam, vì kỷ luật trong xây dựng ở Trung Quốc rất nghiêm ngặt, hơn nữa chỉ có một số thành phố tại Trung Quốc cho xây dựng nhà siêu nhỏ, với một tỷ lệ rất thấp. Đơn cử tại Trùng Khánh, trong một tòa chung cư, mỗi tầng có 6 căn hộ thì chỉ 1 căn hộ có diện tích 30 m2. Căn hộ này cũng chỉ dành cho người độc thân ở và có quy định chủ nhân không được nấu ăn trong căn hộ.
Một mô hình căn hộ nhỏ tại Thái Lan được nhiều doanh nghiệp tâm đắc, đó là thiết kế trên một mặt bằng 2 căn hộ có diện tích 30 m2, trong trường hợp người mua có điều kiện có thể mua 2 căn hộ, chỉ cần phá bức tường ở giữa có thể chuyển thành căn hộ với diện tích gấp đôi. Trường hợp tài chính eo hẹp, khách hàng có thể mua căn hộ 30 m2, khi có điều kiện có thể mua lại nhà bên cạnh hoặc bán cho hàng xóm nếu cần. Tuy vậy, Thái Lan cũng quy định chỉ áp dụng một tỷ lệ nhất định nhà siêu nhỏ trong mỗi dự án.