Ngay từ năm 2014, phân khúc căn hộ cao cấp tại Hà Nội đã có dấu hiệu cải thiện về giao dịch. Cụ thể, hàng loạt dự án căn hộ cao cấp được mở bán, trong đó, nhiều dự án đến nay đã hoàn thiện và bán hết sản phẩm.
Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có nhiều dự án chung cư cao cấp mới đủ điều kiện pháp lý để được chào bán ra thị trường. Một số khác chưa đủ điều kiện bán hàng cũng tranh thủ cho phép khách hàng đăng ký đặt chỗ, khiến lượng căn hộ cao cấp được đưa ra thị trường thực tế rất lớn. Mặc dù vậy, theo phản ánh của một số đơn vị phân phối lớn, thanh khoản của phân khúc này vẫn khá sôi động.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc hệ thống Siêu thị dự án (STDA) cho biết, phân khúc căn hộ cao cấp từng là gánh nặng thị trường với lượng hàng tồn kho lớn, nhưng hiện nay đang đi đầu dẫn dắt thị trường về thanh khoản và giá trị giao dịch.
Cụ thể, theo ông Tuyển, giao dịch của phân khúc căn hộ cao cấp tại hệ thống STDA trong 6 tháng đầu năm chiếm 50-60% lượng giao dịch. Nếu tính về giá trị giao dịch, với mức giá cao, diện tích căn hộ lớn, phân khúc này đang chiếm một tỷ lệ lớn trong doanh thu bán hàng của các sàn.
Phía đơn vị phân phối Đất Xanh Miền Bắc cũng cho biết, lượng căn hộ cao cấp bán ra chiếm khoảng 60% lượng căn hộ chào bán thành công của đơn vị này.
Đánh giá về thị trường căn hộ cao cấp trong những tháng cuối năm, đại diện các đơn vị phân phối lớn đều cho biết, khả năng dẫn dắt thị trường của phân khúc này rất cao, bởi nhu cầu với loại sản phẩm này vẫn tăng và trong ngắn hạn, chưa có dấu hiệu cho thấy cầu của thị trường sẽ giảm.
Xu hướng tăng giá bán
Khi thanh khoản được cải thiện, xu hướng tăng giá của phân khúc căn hộ cao cấp cũng xuất hiện. Thậm chí, có chủ đầu tư mới vừa tăng giá đã đánh tiếng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc đơn vị phân phối Đất Xanh Miền Bắc, Vinhomes từng tăng giá bán căn hộ tại Dự án Vinhomes Times City. Gần đây, chủ đầu tư tiếp tục “bóng gió” sẽ tăng nhẹ giá bán căn hộ tại dự án này.
Hoặc tại Dự án Goldmark City (Quận Bắc Từ Liêm), chủ đầu tư đã vài lần tăng nhẹ giá bán, dù mức giá chào bán ban đầu được đánh giá là khá cao. Dù vậy, căn hộ thuộc Dự án vẫn duy trì được thanh khoản tốt.
Cũng theo ông Quyết, do tỷ giá tăng, chủ đầu tư các dự án căn hộ cao cấp đã đồng loạt đánh tiếng tăng giá để bù đắp vào chi phí, khiến giá căn hộ cao cấp tăng nhẹ trong những tháng cuối năm là điều khó tránh.
Đại diện STDA, ông Nguyễn Thọ Tuyển thừa nhận, hiện giá bán của phân khúc căn hộ cao cấp đã ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, xu hướng tăng nhẹ giá bán trong những tháng cuối năm do tăng tỷ giá là điều có thể xảy ra. Song việc tăng giá, theo ông Tuyển, chỉ diễn ra với những dự án có vị trí tốt, do chủ đầu tư có uy tín thực hiện.
“Bội thực” nguồn cung?
Một khảo sát của ĐTCK mới đây cho thấy, chỉ tính riêng các dự án căn hộ cao cấp đang mở bán trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung căn hộ cao cấp đã lên đến gần 10.000 căn trong năm nay, chưa kể một số dự án lớn, với số lượng trên dưới 5.000 căn hộ rải rác tại một số dự án, đang được chủ đầu tư dự tính mở bán vào cuối năm.
Một báo cáo của CBRE Việt Nam mới đây cho thấy, trong 6 tháng cuối năm, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 13.000 căn hộ. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm được chủ đầu tư định vị ở phân khúc cao cấp là rất cao.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện các đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội chia sẻ, mặc dù nguồn cung căn hộ cao cấp hiện rất lớn, tuy nhiên, các dự án đều được chủ đầu tư phát triển theo phân đoạn. Đặc biệt, một số dự án sẽ không thể mở bán do chưa đủ cơ sở pháp lý. Do đó, thị trường căn hộ cao cấp chỉ “bội thực” nguồn cung trên giấy, khó có chuyện tạo sức ép giá lớn trên thị trường.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com