Ý kiến phản đối, chủ yếu của giới chuyên gia, công luận và cán bộ quản lý nhiều ngành khác lo ngại tình trạng vỡ trận quy hoạch, vỡ trận hạ tầng giao thông, hạ tầng an sinh xã hội khi cư dân “nhồi nhét” vào các tòa chung cư toàn căn hộ nhỏ.
Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, quy định này đã mở ra cơ hội lớn cho việc tạo lập nhà ở của số đông dân số. Họ cho rằng, ngay những cụm từ “nhà hộp diêm” hay “ổ chuột trên cao” đã có hơi hướng miệt thị không đáng có với loại hình căn hộ vốn rất phổ biến ở nhiều đô thị lớn trên thế giới. Bởi với thiết kế, kiến trúc và kỹ thuật xây dựng hiện tại, một căn hộ 25 m2 khó có cơ hội trở nên… nhếch nhác.
Những tranh cãi vẫn đang diễn ra, nhưng dường như người dân - đối tượng hướng tới của các loại hình bất động sản, trong đó có nhà 25 m2 - lại chưa được hỏi ý kiến một cách nghiêm túc, xem họ đánh giá thế nào về loại căn hộ diện tích nhỏ này.
Trước tiên, hãy cùng nhìn vào một vài số liệu thống kê, bởi số liệu thì không biết nói dối và nó còn là những chỉ báo đáng tin.
Chỉ tính riêng phân khúc nhà ở xã hội, vốn được coi là phân khúc mà người thu nhập thấp luôn hướng tới, thì theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020 nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đến 12,5 triệu m2 sàn. Trong khi tính đến cuối năm 2019, cộng cả các dự án đã hoàn thành và đang triển khai trong cả nước, chúng ta mới đạt 3,92 triệu m2, bằng 31%.
Nghĩa là chưa bằng 1/3 nhu cầu!
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nước ta có 11% hộ độc thân, tương đương với khoảng gần 3 triệu hộ; có 18,6% hộ gia đình 2 người, tương đương với khoảng gần 5 triệu hộ.
Các thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng, giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao gấp khoảng 25 lần thu nhập bình quân.
Hiện, một căn hộ bình dân 2 phòng ngủ, diện tích từ 50 - 70 m2 cũng có giá dao động khoảng từ 1,4 tỷ đến khoảng 2 tỷ đồng. Đây được coi là mức giá cao với nhiều gia đình trẻ. Giá nhà cao, trong khi kế hoạch về nhà ở cho người thu nhập thấp thực hiện chưa hiệu quả đang đẩy cơn khát sở hữu nhà lên mức cao.
Trong khi, với các căn hộ 25 m2, giả sử mức bán khoảng 30 triệu đồng/m2, thì một căn hộ cũng chỉ có giá khoảng 750 triệu đồng. Một mức giá mà có thể 11% hộ độc thân hay 18,6% hộ có 2 người, hay các hộ thuộc nhóm đang mong chờ suát mua dự án nhà ở xã hội có thể sở hữu được.
Trong một khảo sát riêng của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại các diễn đàn về bất động sản, nhà ở, tỷ lệ ủng hộ và chưa ủng hộ việc phát triển căn hộ 25 m2 gần như chênh nhau không đáng kể. Điều này phần nào cho thấy các góc nhìn, quan điểm về căn hộ 25 m2 còn khác nhau, và nó cũng cần được tôn trọng.
Người đồng tình thì cho rằng nên ủng hộ, vì nó tăng khả năng sở hữu nhà ở cho nhiều người có nhu cầu thực. Người phản đối lại lo ngại từ việc dồn nén nhiều căn hộ nhỏ trong một dự án, khiến mật độ dân số tăng cao, làm giảm chất lượng sống.
Đại diện Bộ Xây dựng mới đây cho biết, quy chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành cũng khống chế mỗi dự án chỉ được phép xây dựng không quá 25% số căn hộ diện tích dưới 45 m2 đối với tổng diện tích căn hộ toàn dự án. Và Bộ Xây dựng cũng tiếp tục tổng hợp ý kiến phản ánh khi thực hiện Thông tư, nhất là về căn hộ 25 m2 và xem xét sửa đổi bổ sung, nếu có bất cập, vướng mắc.
Có lẽ, giờ là lúc chúng ta tạm gác lại những nỗi lo ở thì tương lai, bởi nhanh thôi, thị trường, đặc biệt là các khách hàng sẽ mang đến câu trả lời và quyết định cả sự sống còn cho một sản phẩm, thậm chí một chính sách. Còn với các chủ đầu tư, có lẽ, giờ là lúc nên hỏi chính các khách hàng của mình để có được định hướng phát triển sản phẩm hợp lý.