Định hình hệ sinh thái Fintech
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần định hình một hệ sinh thái phù hợp để tạo điều kiện cho các công ty Fintech phát triển thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ tài chính Việt Nam nói riêng, hướng đến sự tăng cường hội nhập tài chính của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, doanh nghiệp Fintech và tổ chức tài chính ngân hàng, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech. Việt Nam là nước có dân số trẻ cùng nhu cầu kết nối cao.
Thống kê năm 2016 cho thấy, Việt Nam có hơn 50% dân số sử dụng Internet thường xuyên, bên cạnh đó, 34 triệu người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Trong khi số lượng người sử dụng các dịch vụ ngân hàng chưa cao, mới chủ yếu dừng ở việc rút tiền từ tài khoản, vì vậy Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn cho các công ty dịch vụ tài chính mới.
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động tiếp cận và tạo điều kiện cho các công ty Fintech gia nhập thị trường. Từ năm 2008, NHNN đã cấp phép cho nhiều công ty không phải ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán.
Hiện tại đang là thời điểm thích hợp để các ngân hàng phối hợp với các công ty Fintech cung cấp các giải pháp ngân hàng tiên tiến với chi phí thấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mới đây, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cũng như xây dựng khung pháp lý, hệ sinh thái để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Fintech phát triển.
Bên cạnh loại hình Fintech trong lĩnh vực thanh toán chiếm đa số (như 123pay, Onepay, senpay, Vnpay, Moca, Vinapay, Momo…), còn xuất hiện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như gọi vốn (Funstart, Comicola, Betado, FisrtStep…), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, TrustCircle), chuyển tiền (Remit.vn), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (Bankgo, Moneylover, Mobivi…), ngân hàng kỹ thuật số (Timo), cầm đồ online (F88)…
Tuy nhiên, dễ nhận thấy hầu hết các sản phẩm Fintech tại Việt Nam còn rất sơ khai và ngân hàng vẫn chiếm phần lớn thị phần các dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể (bao gồm cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông…).
Mô hình hoạt động Fintech trong thời gian qua chủ yếu là mô hình hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng, khi tất cả các công ty trung gian thanh toán được NHNN cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng.
ThS. Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Thực tế, các ngân hàng thương mại đã có sự hợp tác với các Fintech trong lĩnh vực trung gian thanh toán như Ngân lượng, Momo. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn còn nhiều hạn chế, mới chỉ đơn thuần là cung cấp các dịch vụ thanh toán giản đơn, chưa cung cấp các dịch vụ nâng cao khác cũng như tiếp nhận, phản hồi, chia sẻ thông tin về khách hàng.
Đáng chú ý, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng của thị trường do chưa có khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ. Các công ty Fintech hiện đang đối mặt với nhiều bài toán, bao gồm cả việc người dùng vẫn còn e ngại với những giao dịch tài chính trên mạng, nơi họ không hiểu được các công ty công nghệ đóng vai trò và làm gì với tài khoản ngân hàng của mình.
Một báo cáo gần đây cho biết, hoạt động thực hiện giao dịch tài chính chiếm chưa đến 5% thời gian trực tuyến của người dùng internet tại Việt Nam
Theo chủ trương, định hướng của Chính phủ Việt Nam, NHNN đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực Fintech, đặc biệt là xây dựng một hệ sinh thái Fintech dựa trên lợi thế của Việt Nam, cũng như vai trò xúc tác tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của Fintech tại Việt Nam.
“NHNN ủng hộ sự phát triển, ra đời của các công ty Fintech. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ về thực trạng hệ sinh thái Fintech trên thế giới cũng như tại Việt Nam để từ đó có những quan điểm ứng xử, những chính sách cho phù hợp”, Phó Thống đốc NHNN, Trưởng Ban chỉ đạo Fintech Nguyễn Kim Anh cho biết.
Hợp tác cùng có lợi
Hiện tại đang là thời điểm thích hợp để các ngân hàng phối hợp với các công ty Fintech cung cấp các giải pháp ngân hàng tiên tiến với chi phí thấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc hợp tác, kết nối giữa các ngân hàng và công ty Fintech sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Theo đó, thứ nhất, các sản phẩm Fintech gia tăng khả năng, mức độ tiếp cận khách hàng và tần suất sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính từ các nhà cung cấp. Việc mở rộng cơ sở khách hàng, vươn tới những phân khúc từ trước đến nay chưa được tiếp cận giúp cho ngân hàng nhìn ra những lợi ích tiềm năng và những phương thức mới để thực hiện các giao dịch của mình.
Thứ hai, việc số hóa các dịch vụ tài chính cũng góp phần giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận cũng như khả năng cung cấp dịch vụ với phân khúc khách hàng ngày càng rộng.
Thứ ba, việc sử dụng các dịch vụ tài chính qua điện thoại di động là điều kiện lý tưởng để khách hàng có thể vượt qua những rào cản vật lý, trong đó bao gồm việc người dân phải đến một chi nhánh ngân hàng để thực hiện các giao dịch, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Thông thường các ngân hàng thu hút và phục vụ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa sẽ rất tốn kém, đây chính là cơ hội để các ngân hàng và Fintech có thể cộng tác nhằm đạt được lợi ích kinh tế tối đa.
Thứ tư, các công ty Fintech làm tốt hơn ngân hàng trong việc nắm bắt các giá trị cốt lõi của khách hàng nhờ khai thác thông tin từ dữ liệu của người dùng nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn.
Mỗi cá nhân khi thực hiện giao dịch tài chính đều để lại thông tin, những thông tin này rất giá trị đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, gia tăng sự hiểu biết đối với phân khúc khách hàng thông qua việc xử lý, phân tích cách thức khách hàng giao dịch và nhờ đó xác định được những sản phẩm phù hợp, tiềm năng, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính có thể đánh giá rủi ro tín dụng đầy đủ, linh hoạt hơn, cho phép đưa ra những quyết định về cho vay, thấu chi, khả năng trả nợ.
Hợp tác giữa Fintech và ngân hàng truyền thống hầu như đều mang tính tương hỗ, cộng sinh, các tổ chức tài chính có thêm và duy trì khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ thuận lợi và dễ sử dụng nhờ Fintech, đồng thời các công ty Fintech có thể tiếp cận với cơ sở khách hàng lớn và vững chắc của ngân hàng.
Trong khi Fintech có thế mạnh về hạ tầng công nghệ thì ngân hàng có uy tín, có tiềm lực tài chính và đặc biệt là số lượng khách hàng đông đảo. Sự hợp tác này mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích; và cũng mang lại lợi nhuận không nhỏ cho cả ngân hàng, lẫn Fintech.
Với tiềm năng rất lớn của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam xét về quy mô dân số, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các ngân hàng có thể kết hợp với Fintech nhằm tận dụng những lợi ích mà Fintech đem lại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung, đẩy mạnh sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng.
Vì vậy các ngân hàng cần có sự chuẩn bị cần thiết, cũng như những bước đi thận trọng để đón đầu xu hướng, có biện pháp phù hợp đối mặt với những rủi ro, thách thức mà xu hướng mang lại.