Thành lập Hiệp hội Môi giới bảo hiểm là một trong những kiến nghị giải pháp thúc đẩy MGBH phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Bà Lê Thị Ngọc Hương,Tổng giám đốc Công Ty TNHH Môi giới bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson (JLT)
21.165 tỷ đồng tổng phí bảo hiểm thu xếp qua kênh MGBH
MGBH là nhà tư vấn về bảo hiểm và quản lý rủi ro, giúp khách hàng nhận diện rủi ro và mua bảo hiểm phù hợp để có thể bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó, MGBH còn là một kênh phân phối sản phẩm hiệu quả cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), giúp DNBH tái bảo hiểm nhằm đảm bảo an toàn tài chính và phát triển kinh doanh ổn định.
Trong thời gian qua, doanh nghiệp MGBH thông qua hoạt động của mình đã cùng với các DNBH góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, cụ thể trên các mặt sau.
Thứ nhất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm tăng trưởng và đóng góp cho ngân sách nhà nước thể hiện qua kết quả hoạt động của mình.
Cụ thể: giai đoạn 2011 - 2014, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua kênh MGBH (bao gồm cả MGBH và môi giới tái bảo hiểm) là 21.165 tỷ đồng, tương đương 22,7% doanh thu phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ trong cùng giai đoạn; đóng góp cho ngân sách nhà nước xấp xỉ 300 tỷ đồng.
Thứ hai, góp phần hỗ trợ chính sách an sinh xã hội, thể hiện qua việc doanh nghiệp MGBH đã tư vấn cho hơn 10.000 lượt khách hàng tham gia bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (riêng năm 2014 là 3.155 lượt khách hàng với khoảng 587.400 lượt người được bảo hiểm), tạo việc làm cho hơn 500 lao động trong giai đoạn 2011 - 2014. Bên cạnh đó, MGBH góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam thông qua hoạt động môi giới tái bảo hiểm và hỗ trợ hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách về sản phẩm bảo hiểm này.
Thứ ba, góp phần bảo vệ tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, ổn định. MGBH đã tư vấn cho khách hàng nhận diện rủi ro, tham gia bảo hiểm, bảo vệ tài chính, tài sản của mình giúp ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, các doanh nghiệp MGBH đã tư vấn, thu xếp bảo hiểm cho khoảng 35.000 lượt khách hàng, nhiều hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn, kỹ thuật phức tạp như: dự án phóng vệ tinh VINASAT của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, một số dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Doanh nghiệp MGBH cũng đã hỗ trợ các DNBH bảo vệ tài chính thông qua hoạt động môi giới tái bảo hiểm (phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới đạt 10.558 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2014).
Đối với vụ gây rối trật tự xảy ra ngày 13 - 15/5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, các doanh nghiệp MGBH đã đồng hành cùng các DNBH giải quyết bồi thường bảo hiểm, giúp các nhà đầu tư thuộc nhiều quốc tịch khác nhau ổn định tình hình tài chính. Qua đó, môi giới bảo hiểm cũng đã góp phần tạo dựng hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn, hiệu quả.
Thứ tư, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh chính trị, qua việc đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững; tham gia xây dựng, phát triển bảo hiểm năng lượng nguyên tử, bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế. Hiện nay, có 5/11 doanh nghiệp MGBH nước ngoài, với khách hàng chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp gắn kết và thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại quốc tế với Việt Nam. Đồng thời, thông qua hoạt động môi giới tái bảo hiểm, các doanh nghiệp MGBH góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa thị trường bảo hiểm Việt Nam với quốc tế.
Đạt được các kết quả trên, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp MGBH là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và thị trường phát triển, cụ thể:
- Chủ động, kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, tăng cường quản trị doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định các nhu cầu, đề xuất và vướng mắc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và phát triển hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường đã giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
… nhưng còn thấp so với doanh thu phí toàn thị trường
Mặc dù có vai trò không nhỏ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, tuy nhiên, lĩnh vực MGBH vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới vẫn còn thấp so với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường; MGBH mới tập trung thu xếp cho nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, còn nghiệp vụ nhân thọ không đáng kể; môi giới chủ yếu cho khách hàng là tổ chức (khoảng 91%); thị phần phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới còn chênh lệch lớn, các doanh nghiệp MGBH nước ngoài (5/11) chiếm tới 91%, các doanh nghiệp MGBH trong nước chỉ chiếm khoảng 9%; doanh thu và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp MGBH còn thấp, giai đoạn 2011 - 2014 chỉ đạt 1.769 tỷ đồng.
Tồn tại các hạn chế nêu trên, theo chúng tôi, xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vào hoạt động MGBH còn thấp, tính đến nay chỉ có 12 doanh nghiệp MGBH được thành lập/48 DNBH (ở Thái Lan là 81 doanh nghiệp MGBH/91 DNBH).
- Năng lực quản trị, kinh doanh, tính chuyên nghiệp của một số doanh nghiệp MGBH chưa cao. Các doanh nghiệp MGBH chưa có một diễn đàn chung để có thể xây dựng các quy tắc ứng xử, nâng cao chuẩn mực về chuyên môn và hoạt động, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
- Cơ chế chính sách chưa quy định cụ thể cho phép các doanh nghiệp MGBH được thực hiện các hoạt động tương đồng với nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm theo thông lệ quốc tế như: tư vấn đánh giá rủi ro, tư vấn về bảo hiểm, tư vấn thiết kế sản phẩm bảo hiểm… cho khách hàng có nhu cầu đã phần nào hạn chế khả năng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp MGBH.
- Sản phẩm bảo hiểm của các DNBH chưa đa dạng, phong phú và chưa đáp ứng, khai thác được tối đa nhu cầu của khách hàng.
- Nhận thức và quan tâm của xã hội về vai trò MGBH chưa đúng mức, chưa có thói quen sử dụng MGBH như là một đối tác trong việc tư vấn và quản lý rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như tài sản của mình.
Một số kiến nghị
Để thúc đẩy hoạt động MGBH trong thời gian tới, đóng góp tích cực hơn nữa cho thị trường bảo hiểm theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách. Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động MGBH, tạo điều kiện thúc đẩy hiệu quả hoạt động MGBH. Bên cạnh đó, xem xét quy định cụ thể cho phép doanh nghiệp MGBH được thực hiện một số hoạt động như: tư vấn đánh giá rủi ro, tư vấn bảo hiểm, tư vấn thiết kế sản phẩm bảo hiểm.
Thứ hai, về công tác quản lý, giám sát. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cấp phép thành lập doanh nghiệp MGBH cho các chủ đầu tư đáp ứng điều kiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động MGBH nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; xây dựng, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh tuyền truyền về bảo hiểm và MGBH tới người dân và toàn xã hội.
Đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp MGBH thành lập Hiệp hội Môi giới bảo hiểm Việt Nam và hỗ trợ phát triển một số sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm trách nhiệm (khám, chữa bệnh; nghề luật sư), bảo hiểm xây dựng…
Thứ ba, đề nghị các DNBH phát triển đa dạng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và xã hội.
Thứ tư, các doanh nghiệp MGBH cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường chia sẻ, hợp tác trong hoạt động kinh doanh nhằm góp phần phát triển thị trường bảo hiểm ổn định, lành mạnh; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để tiếp tục phát huy vai trò, ý nghĩa và hình ảnh của MGBH nói riêng và bảo hiểm nói chung, cùng nhau hướng tới mục tiêu: “Làm tốt, phối hợp tốt và tuân thủ tốt”.