Cần gỡ “án treo” với nhiều dự án tại TP.HCM

(ĐTCK) Nhiều dự án gặp khó khi trong giai đoạn triển khai thì bị phát hiện có sai phạm trong việc giao đất.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 4/12/2018 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đề cập một vấn đề nổi lên ở Thành phố là cách thức xử lý đối với các dự án bất động sản mà doanh nghiệp được giao đất, đã trả tiền, xây dựng nửa chừng, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện có sai phạm trong việc giao đất.

Thực tế, đây là vấn đề nhức nhối với không ít dự án tại TP.HCM. Thậm chí, nó được coi là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng, gây ra sự  trầm lắng nhất định tại một thị trường bất động sản vốn được đánh giá là lớn nhất và sôi động nhất cả nước nhiều năm qua.

Các dự án này thường có nguồn gốc từ đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đất đối ứng cho các dự án BT…

Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong quá trình chuyển giao về tay các chủ đầu tư thì xuất hiện một số sai phạm. Và điều đáng nói là tại không ít khu đất đã hình thành dự án, chủ đầu tư đã đổ tiền đổ của khá lớn vào đây và chuẩn bị giới thiệu ra thị trường.

Về hướng xử lý, thậm chí có nhiều ý kiến đề nghị phải dừng hoặc hủy dự án. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra sẽ gây thiệt thòi lớn cho các chủ đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản - ngành kinh doanh có vị trí quan trọng đối với kinh tế TP.HCM và an sinh xã hội.  

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã bàn và báo cáo với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và xác định nguyên tắc: Những dự án mà doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu Thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền hoặc làm sao đảm bảo lợi ích Nhà nước, nhưng dự án được tiếp tục làm. Không dừng dự án nếu không vi phạm về quy hoạch, để tiền vốn của người dân góp vào đó không mất đi.

Hướng gỡ này là khả thi trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư bất động sản tại TP.HCM đang lầm vào cảnh “múa tay trong bị” vì có đất, có tiền, có thị trường, nhưng không thể giới thiệu dự án vì nghẽn thủ tục.

Các doanh nghiệp mong muốn quan điểm này sớm được thấm nhuần và triển khai bởi các cơ quan chức năng của Thành phố.

Nhìn nhận về hướng xử lý trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, các dự án này chủ yếu có liên quan đến các mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; nhà xưởng thuộc dự án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở, phải di dời theo quy hoạch đô thị theo các Quyết định 09/2007/QĐ-TTg; Quyết định 140/2008/QĐ-TTg; Quyết định 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đã được giao đất theo phương thức chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu giá công khai.

Trong đó, thậm chí có những dự án đã hoàn thành và người mua nhà đã sử dụng ổn định; có những dự án đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua; có những dự án chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua dù đã được giao nhà; Có những dự án đang đầu tư, xây dựng dở dang... Chính vì vậy, việc xử lý theo hướng thu hồi và đình chỉ dự án là bất khả thi.

HoREA cũng kiến nghị chính quyền TP.HCM, với những dự án doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu Thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền hoặc làm sao đảm bảo lợi ích nhà nước, nhưng dự án thì tiếp tục làm. Không dừng dự án nếu không vi phạm về quy hoạch, để tiền vốn của người dân góp vào đó không mất đi.

Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp doanh nghiệp có những vi phạm khác thì đề nghị xem xét xử lý sau.

Rõ ràng, đây là cách xử lý có lý có tình, tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch hoàn thành đầu tư xây dựng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan