Áp trần hoa hồng, thưởng bảo hiểm
Theo Bộ Tài chính, Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ ngày 2/11/2023) đã sửa đổi các giới hạn đối với các khoản hoa hồng theo hướng yêu cầu phân bổ thời gian chi trả hoa hồng dài hơn nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, bổ sung giới hạn chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới phát triển chất lượng hơn là tập trung vào số lượng.
Cụ thể, Điều 52 - Thông tư 67/2023 quy định, tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, tổng các khoản chi thưởng của dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe không được vượt quá 100% hoa hồng đại lý bảo hiểm của tất cả các hợp đồng bảo hiểm thuộc bảo hiểm sức khỏe đã khai thác trong năm tài chính. Đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, tổng các khoản chi thưởng không được vượt quá 50% hoa hồng đại lý bảo hiểm của tất cả các hợp đồng bảo hiểm thuộc bảo hiểm phi nhân thọ đã khai thác trong năm tài chính.
Còn tại các công ty bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, với các đại lý bảo hiểm khai thác mới, tổng các khoản chi thưởng trong mỗi năm tài chính không được vượt quá tổng giá trị 20% phí bảo hiểm thực tế của các hợp đồng bảo hiểm từ 1 năm trở xuống, 1 năm tái tục hàng năm và 30% phí bảo hiểm khai thác năm đầu thực tế thu được đối với hợp đồng bảo hiểm trên 1 năm. Đối với các đại lý chăm sóc các hợp đồng bảo hiểm tái tục trên 1 năm, tổng các khoản thưởng này trong mỗi năm tài chính không được vượt quá 7% phí bảo hiểm tái tục thực tế thu được trong năm.
Việc chi hoa hồng, thưởng có được giám sát chặt?
Có thể thấy, Thông tư 67/2023/TT-BTC đã có chế tài điều chỉnh việc chi hoa hồng, chi thưởng bảo hiểm, điều trước đây chưa có. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ điều chỉnh về mặt con số mà thiếu đi sự giám sát việc chi trả từ cơ quan quản lý thì sẽ khó có thể mang lại nhiều giá trị như mong đợi.
Nói như bà Hồ Thị Ngọc Như - Trưởng Ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM), điều quan trọng ở đây là cơ quan quản lý có giám sát chặt chẽ thị trường hay không, có mạnh tay xử lý nếu doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm vi phạm hay không, chứ không chỉ đơn thuần nằm ở con số quy định là bao nhiêu.
Cùng góc nhìn, ông Đặng Đình Chính - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam cũng cho rằng, quy định là một chuyện, nhưng ai giám sát và giám sát như thế nào, có công khai vi phạm không… lại là chuyện khác.
Thực tế, việc hạch toán chi phí không đúng quy định tại công ty bảo hiểm đã từng xảy ra. Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife đã hạch toán chi phí liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, về thuế.
Đáng chú ý, Prudential phải bổ sung 740 tỷ đồng vào thu nhập chịu thuế. Năm 2021, Prudential hạch toán hơn 740 tỷ đồng vào khoản chi phí liên quan hoạt động bancassurance và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, chi phí hỗ trợ ban đầu, phí hợp tác chi trả cho đại lý tổ chức 44 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ tiếp thị chi trả cho ngân hàng 342 tỷ đồng; chi thưởng trực tiếp cho nhân viên ngân hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm hơn 57 tỷ đồng; chi trả phụ cấp cố định, thưởng cho các đại lý bảo hiểm cá nhân chưa đúng quy định 296 tỷ đồng…
Sun Life hạch toán hơn 600 tỷ đồng chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bancassurance là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định. Ngoài ra, Sun Life còn chi trả, hạch toán hỗ trợ cho ngân hàng chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, về thuế (chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho TPBank 121 tỷ đồng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 nhưng không căn cứ chi phí thực tế hoạt động marketing do ngân hàng thực hiện; chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho ACB 78 tỷ đồng vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ).
Cần điều chỉnh mức khấu trừ phí theo quy định
Theo các đại lý bảo hiểm lâu năm cũng như chuyên gia trong ngành, hiện tại, người mua bảo hiểm đang bị khấu trừ phí những năm đầu quá cao. Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 67/2023, lần đầu tiên các khoản phí ban đầu tính cho bên mua bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đóng phí định kỳ được nêu rõ: Tỷ lệ phí ban đầu của các sản phẩm liên kết đầu tư trong năm đầu không được vượt quá 50% phí bảo hiểm theo năm, năm thứ 2 không được vượt quá 30%, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 không được vượt quá 20%…
Trước đây, tỷ lệ này chưa được quy định cụ thể. Thông tư số 52/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 21/3/2016 hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung cũng chỉ quy định chung phí ban đầu là toàn bộ các khoản tiền công ty bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phân bổ vào quỹ liên kết chung. Công ty bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí, đảm bảo phù hợp với cơ sở kỹ thuật của sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và thông báo cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
Cũng bởi trước đây chưa quy định rõ mức tối đa về chi phí ban đầu mà người mua bảo hiểm phải chịu nên mỗi công ty bảo hiểm ấn định một kiểu và được nêu trong hợp đồng bảo hiểm ký kết với khách hàng.
Chẳng hạn, với sản phẩm bảo hiểm đầu tư An phúc trọn đời ưu việt của AIA thì tổng chi phí bên mua bảo hiểm phải chịu năm đầu là 90% phí bảo hiểm đã đóng, năm thứ 2 là 80%, năm thứ 3 là 30%, năm thứ 4 là 20% và từ năm thứ 5 là 1,5%. Hay với sản phẩm bảo hiểm Món quà tương lai của Manulife, trong năm đầu khách hàng sẽ chịu mức phí là 85% phí bảo hiểm đã đóng, năm 2 là 75%, năm 3 là 25%... Có thể thấy, những con số này đều phải điều chỉnh phù hợp với mức phí trần được quy định tại Thông tư 67/2023.
Điều 99 - Nghị định 46/2023/NĐ-CP nêu rõ, có 7 khoản phí tính cho bên mua bảo hiểm (bên mua bảo hiểm phải chịu) bao gồm phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí rủi ro, phí quản lý quỹ, phí chấm dứt hợp đồng trước hạn (áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư), phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị (áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị), phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí (áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí). Các khoản phí này phải được thể hiện rõ tại hợp đồng bảo hiểm. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp thay đổi các mức phí hoặc tỷ lệ các khoản phí áp dụng cho bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản ít nhất 3 tháng trước thời điểm chính thức thay đổi. Mức phí hoặc tỷ lệ phí thay đổi không được vượt quá hạn mức tối đa đã được thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.