Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc Việt Nam (Britcham) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến về phát triển bền vững với chủ đề: “Xu hướng của thương mại trong tương lai”.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều ngưỡng cửa mới cho sự phát triển, đặc biệt là vấn đề tăng trưởng xanh. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc đưa ra mức phát ròng bằng “0” vào năm 2050.
Qua đó cho thấy, vấn đề về tăng trưởng xanh không chỉ là một vấn đề mang tính xã hội đòi hỏi đối với nền kinh tế Việt Nam, mà vấn đề này đã được nhiều tổ chức trên thế giới ghi nhận, cụ thể hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết trên tại Việt Nam không đơn giản, điều này tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay.
Được biết, định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế cũng được thể hiện qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với các nhiệm vụ chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Hay như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là chiến lược quốc gia toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững.
Cùng với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 24/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu… Theo đó, Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo còn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng cũng có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam vẫn đang cho thấy những hạn chế cần phải giải quyết. Ví dụ như công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: năng lượng hạt nhân, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt... chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, kinh tế xanh hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường. Để làm được điều này thì công nghệ tiên tiến là một trong những điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới.
Đặc biệt là vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu. Mặc dù, Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo, nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển còn quá thấp, sinh kế của người dân ở các vùng nông thôn và miền núi còn nhiều khó khăn.
Nguồn tài chính phục vụ cho phát triển nền kinh tế xanh ở nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính nhà nước, mà chưa phát huy được nguồn tài chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai “nền kinh tế xanh”.
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến phát triển bền vững, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đã chia sẻ về định hướng quốc gia đối với thương mại bền vững và vai trò của nó trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Dưới sự điều phối của ông Denzel Eades, Thành viên HĐQT, BritCham Việt Nam, các diễn giả thảo luận về các chiến lược kinh doanh nhằm hướng đến môi trường xanh từ các ví dụ về tài trợ thương mại cho Việt Nam và cách ngân hàng Standard Chartered hỗ trợ các khách hàng trong khuôn khổ thương mại nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.
“Việt Nam là một thị trường quan trọng thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu với xuất khẩu dự kiến đạt 535 tỷ USD vào năm 2030. Với sự kết hợp chuyên môn quốc tế và sự am hiểu thị trường nội địa, chúng tôi có thể giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng phát triển kinh doanh và chuyển đổi hướng tới tương lai bền vững thông qua việc cung cấp các giải pháp tài trợ thương mại bền vững phù hợp với nhu cầu riêng của các doanh nghiệp”, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ.
Ông Denzel Eades nhấn mạnh thêm: “Việc tích hợp các giải pháp kỹ thuật số và bền vững vào chuỗi cung ứng mang lại cả hiệu quả chi phí ngắn hạn và tăng trưởng dài hạn. Chúng tôi nhận thấy cơ hội lớn cho mảng hỗ trợ tài chính bền vững cho chuỗi cung ứng ở Việt Nam".
Đây là hội thảo thứ tư trong chuỗi các hội thảo trực tuyến do Standard Chartered và Britcham phối hợp tổ chức từ năm 2021 đến cuối năm 2022 trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam và ứng dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong doanh nghiệp. Các sự kiện này sẽ tập trung các chủ đề liên quan và có sự đóng góp ý kiến của đại diện các cơ quan ban ngành, tổ chức và chuyên gia để giúp các doanh nghiệp vạch ra các chiến lược hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững.