Cần giải pháp chống “lãng phí vô hình”

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh nhiều ngàn tỷ đồng lãng phí về vật chất, các vị đại biểu Quốc hội còn chỉ ra sự nguy hại của lãng phí vô hình, cần có sự quan tâm đúng mức với các giải pháp căn cơ hơn.
Toàn cảnh phiên giám sát ngày 31/10 của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên giám sát ngày 31/10 của Quốc hội.

Những lãng phí khó lòng đo đếm

Tiếp tục Kỳ họp thứ tư, Quốc hội vừa dành trọn ngày đầu tuần để giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Con số 350.000 tỷ đồng tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước tại báo cáo giám sát được đại biểu dẫn lại như kết quả đáng quý. Nhưng con số 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí và 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật... cũng được đại biểu nhắc đến với sự xót xa.

Nhưng, dù chưa đầy đủ, thì đó vẫn là những lãng phí có thể đo đếm được. Đáng lo hơn, theo một số vị đại biểu, những lãng phí vô hình có sức tàn phá lớn hơn nhiều.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, cần nhận diện sự lãng phí cơ hội từ chính bất cập của thể chế. “Phải chăng, 63 chiếc áo đồng phục thể chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách vì quá chật chội”? Đặt vấn đề trên, đại biểu Nhân nhận định, con số tiết kiệm 350.000 tỷ đồng sẽ được nhân lên gấp bội nếu các địa phương phát triển không còn phải mặc “chiếc áo đồng phục thể chế” đã không còn vừa vặn từ lâu.

Ở một khía cạnh khác, vị đại biểu Bình Dương nhìn nhận, để xử lý cán bộ sai phạm như lời Tổng Bí thư nói là rất đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác, tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. “Tuy nhiên, để có được một cán bộ cấp cao, không thể cân, đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo. Điều đáng nói chính là, cơ chế chính sách hiện hành đã thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ, công chức khỏi thấm nhiễm, cám dỗ của vật chất để họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm đúng và đúng ngay từ đầu?”, ông Nhân nói.

Cũng sốt ruột với lãng phí vô hình, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến, bên cạnh lãng phí niềm tin đã được một vị đại biểu khác nêu từ kỳ họp trước.

Minh chứng cho nhận định này là ví dụ được chính đại biểu Hậu nêu từ Kỳ họp thứ ba, mà nếu có giải pháp kịp thời sẽ là tháo gỡ lớn cho hàng trăm quận, huyện của 63 tỉnh, thành phố và nhiều bộ, ngành trong dự toán ngân sách. Nhưng tiếc thay, đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Đại biểu Hậu nhìn nhận, nhiều ý kiến nhắc đến chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ biết bao việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính, gây nên biết bao lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

“Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm. Chỉ có điều, tinh thần trách nhiệm của họ nhiều khi không được phát huy, bị lãng phí và từ đó, gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm hết được cho xã hội, cho đất nước”, ông Trần Hữu Hậu bày tỏ quan điểm.

“Chữa” từ gốc

“Khi cái tiêu cực, cái yếu kém, cái trì trệ… trở thành phổ biến, thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra cái tiêu cực, cái yếu kém, cái trì trệ, mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành bộ máy đó”, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

Và để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém, theo ông Hậu, không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó, mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy đó.

Cũng đề cập nguyên nhân từ cơ chế, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nhấn mạnh hai chữ “đặc biệt” để nói về sự quan tâm của cử tri cả nước về những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua và những vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC.

Đại biểu này “đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới”.

Nhìn từ góc độ chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phân tích, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với lực lượng lao động tới 51,5 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới là 67% và tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27%.

“Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng, thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ”, đại biểu Nghĩa nhận định.

Dẫn số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Nghĩa nêu thực tế, mỗi năm, cả nước có 38% sinh viên ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, có 60% làm trái ngành. Sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học đại học cho một chuyên ngành, nhưng sau đó, một tỷ lệ không nhỏ làm việc ở một lĩnh vực khác. “Đây là lãng phí cho bản thân sinh viên và gia đình, cho doanh nghiệp và xã hội”, ông Nghĩa nêu lãng phí không đo đếm được.

Để phát triển tối đa lợi thế thời kỳ dân số vàng, đại biểu Nghĩa đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược Phát triển nhân lực và Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030; xây dựng Đề án Thu hút, trọng dụng nhân tài; nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công; nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

Cũng quan tâm đến lãng phí về nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận xét, hiện nay, nhân lực trong khu vực công có dấu hiệu già hóa, môi trường nhà nước chưa thực sự hấp dẫn đối với người trẻ, chưa xây dựng được môi trường lý tưởng cung cấp nhiều cơ hội phát triển. Trong khi đó, tinh giản biên chế mới được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ học, không đảm bảo được chất lượng thực chất.

Bà Hoa đề nghị cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội sau giám sát yêu cầu liên quan đến quản lý nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước, theo đúng tinh thần nhân tài là nguyên khí quốc gia. Cụ thể, cần tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Trong cải cách tiền lương, cần tính tới những nguồn để tiếp tục bồi dưỡng, tạo động lực cho người tài tham gia cống hiến cho Tổ quốc.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), chuyên đề giám sát này giống như liều kháng sinh cực mạnh, đặc trị để xử lý dứt điểm những hạn chế “rất bi đát” đã được chỉ ra.

Nhưng để xử lý được dứt điểm, phải chỉ rõ được trách nhiệm của tổ chức nào, cá nhân nào.

Nêu dẫn chứng về quy hoạch điện gió để xảy ra tình trạng hơn 600 MW điện gió không đưa vào sử dụng, rồi những công trình giao thông khi quyết định đã biết thừa dự án đó sẽ có vấn đề, nhưng vẫn để Nhà nước bù thêm hàng trăm, hàng chục ngàn tỷ đồng, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị: “Để xử lý dứt điểm, phải xử lý trách nhiệm của những người quyết định chủ trương, dự án đó thì mới đầy đủ”.

Sau giám sát, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Có một thứ tuyệt đối không nên tiết kiệm

Theo đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) trong báo cáo giám sát, dẫn chiếu nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế là một cụm từ rất gọn “việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm”. Với kết luận như trên cần phải có hai công đoạn nữa: Chỉ rõ ai, tổ chức nào chấp hành luật chưa nghiêm, nếu đúng thế rồi thì theo luật phải làm thế nào? Nếu chưa thực hiện được hai công đoạn này thì có nghĩa chúng ta có luật, nhưng chưa làm theo hoặc chưa dùng đến, tức là lãng phí luật.

Ông Trung Anh cho rằng, có nhiều thứ nên tiết kiệm, nhưng có một thứ tuyệt đối không nên tiết kiệm, đó là làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Nên cải cách thể chế theo hướng tăng “năng suất” chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và phải làm ngay. Và không nên lãng phí luật.

Ba nhiệm kỳ chưa hoàn thành một dự án thủy lợi

Khá nhiều ví dụ điển hình cho sự lãng phí đã được chỉ đích danh tại phiên thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng, nhưng vẫn chưa hoàn thành. 119 hộ dân vùng lòng hồ của Dự án thuộc bản Thanh Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản để phát triển sản xuất, hàng năm lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện.

Tin bài liên quan