Phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội tại tổ 19.
Trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu như hiện nay, cần có những giải pháp, chính sách phù hợp với thể trạng để doanh nghiệp có thể đón nhận, hấp thụ và vượt qua được giai đoạn khó khăn, đảm bảo hoạt động của mình trong thời gian tới.
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tới đại biểu thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, đầu tư công.
Khi thảo luận tổ, có ý kiến đại biểu cho rằng số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động rất cao, nhiều doanh nghiệp giải thể đã có thời gian hoạt động lâu, quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng nhiều thuế.
Bộ trưởng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, có khoảng 146,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 55,3%).
Phân tích số liệu, Bộ trưởng cho biết, chỉ có khoảng 10% (14,7 nghìn doanh nghiệp) thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường. Trong đó, đa số doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm, chiếm 68,6%), có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 86%). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động trên 10 năm chỉ chiếm 11,2% và số doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 2%.
Qua rà soát dữ liệu về doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động lâu, quy mô vốn đăng ký lớn trong 10 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng nêu một số nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp giải thể, rời khỏi thị trường.
Đó là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả do bị cắt giảm đơn hàng; khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh… là nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh (chiếm hơn 80% số lượng doanh nghiệp giải thể).
Sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp bị bào mòn, tài sản hay những khoản dự trữ của doanh nghiệp đã được tận dụng tối đa dẫn đến cạn kiệt về nguồn lực. Đồng thời, từ cuối năm 2022 đến nay, tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thiếu vốn, không huy động được vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ nhân sự có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu công việc; năng lực quản trị, năng suất lao động, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ... của doanh nghiệp còn thấp; chiến lược kinh doanh không còn phù hợp, không bắt kịp xu thế phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp giải thể do tái cơ cấu tổ chức, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, không còn nhu cầu kinh doanh hoặc kết thúc dự án, Bộ trưởng cho hay.
Các giải pháp cần triển khai để doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, đảm bảo hoạt động của mình trong thời gian tới, cũng được Bộ trưởng đề cập.
Như, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường khả năng kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn, chú trọng hơn kích thích tổng cầu, tạo nhu cầu vay vốn. Khuyến khích tổ chức tín dụng mở rộng sản phẩm dịch vụ ngân hàng với ưu đãi phí cạnh tranh. Các tổ chức tín dụng cần rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, đăng ký cho vay, đồng thời triển khai các gói tín dụng phù hợp của ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm những thủ tục hành chính gây tốn kém, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ, kích thích sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với khả năng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mở rộng thị trường mới, tận dụng hiệu quả các hiệp định Việt Nam đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để tiếp tục mở rộng thị trường, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Chiều nay (31/10) Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, đầu tư công.