Vấn đề nan giải nhất hiện nay là muốn bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, chủ nợ phải thỏa thuận với con nợ
Quyết liệt tái cơ cấu
Năm 2011, 2012, nền kinh tế có nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, lạm phát tăng cao, khiến lãi suất trên thị trường liên tục tăng, có thời điểm đạt 19 - 20%/năm. Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, yếu kém có nguy cơ mất thanh khoản. Nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao.
Trong bối cảnh đó, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng đòi hỏi làm thế nào để tránh được sự đổ vỡ là một thách thức lớn. Quan điểm chủ đạo và xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tái cơ cấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chứ không phải tái cơ cấu riêng lẻ ngân hàng nào, dù hoạt động ổn định hay yếu kém, để các ngân hàng đều hoạt động ổn định, phát triển theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
Triển khai thực hiện Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Quyết định 734/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN phê duyệt kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Đề án, NHNN đã đánh giá, nhận diện những tồn tại, yếu kém của các ngân hàng thương mại cổ phần trên cơ sở phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của từng ngân hàng. Sau gần 4 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng, những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận.
Điều kiện tiên quyết để giải quyết được căn bản về nợ xấu là tháo gỡ những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời hình thành thị trường mua bán nợ. Để làm được điều này, cần có một đạo luật để giải quyết tất cả những rào cản đang tồn tại trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình. Thành công nổi bật của quá trình tái cơ cấu là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành ngân hàng. Đó là cơ sở để ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô. Những rủi ro hệ thống đã được nhận diện đầy đủ, có biện pháp xử lý, an toàn hệ thống và khả năng chi trả của các ngân hàng được cải thiện rõ nét.
Tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng được thực hiện thành công thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) đối với nhà băng yếu kém, giúp cải thiện cơ cấu tài sản có, nâng cao chất lượng tài sản bảo đảm, năng lực tài chính, ổn định thanh khoản, mở rộng cho vay.
TS. Trần Du Lịch
Sau khi khoanh vùng khống chế các ngân hàng yếu kém, NHNN từng bước siết chặt kỷ cương hệ thống ngân hàng. Quá trình sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém diễn ra đúng lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế, cho dù lúc đầu nhiều người không dám tin, ngay cả bản thân tôi mới đầu cũng không khỏi nghi ngại, nhưng kết quả đã phần nào đạt mong đợi.
Sau đó, với kinh nghiệm thực tế, nắm chắc tình hình của NHNN và có nhiều nguồn lực khác hỗ trợ, nên quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng được đẩy mạnh. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động, NHNN chỉ định một số ngân hàng vào diện tái cơ cấu bắt buộc và thực hiện kể từ năm 2015.
Đối với các ngân hàng yếu kém không thể tự thực hiện tái cơ cấu, NHNN kiên quyết xử lý bằng nhiều biện pháp phù hợp với thực tế khách quan như trường hợp của VNCB, OceanBank, GPBank (cả 3 ngân hàng này đều âm vốn chủ sở hữu) đã được NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng và chuyển đổi thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do NHNN quản lý, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng hiện vẫn tồn tại không ít yếu kém. Thống đốc NHNN cho biết, đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn II (2016 - 2020) đã hoàn thành, trình Chính phủ, Bộ Chính trị, với các bước chi tiết, cụ thể. Riêng đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng, trong đó có 3 ngân hàng “0 đồng” và DongA Bank, Sacombank sau sáp nhập (SouthernBank sáp nhập vào Sacombank) đã được Bộ Chính trị chấp thuận. NHNN đã xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết để triển khai trong thời gian tới.
Nợ xấu vẫn đáng lo
Một trong những nhiệm vụ lớn của ngành ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc là xử lý nợ xấu. Đến cuối năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về dưới mức 3%, hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn và phía trước còn nhiều thách thức.
Hiện tại, có không ít vướng mắc trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, thủ tục rườm rà và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, sau khi mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) muốn bán lại nợ xấu theo giá thị trường nhưng cơ chế này chưa hoàn thiện.
Thực tế đang đòi hỏi VAMC cần có quyền mua nợ xấu xong có thể bán lại với giá thị trường mà không ràng buộc vào một mức giá nào khác, đồng thời bổ sung nguồn lực cho VAMC. Để xử lý nợ xấu, phía các ngân hàng cũng phải chấp nhận chịu lỗ.
Trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC. Nghị định 34 được thị trường đánh giá là hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu. Mục tiêu chính của Nghị định là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu, cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề nan giải nhất vẫn là muốn bán tài sản bảo đảm, chủ nợ phải thỏa thuận với con nợ, trong trường hợp không thỏa thuận được giá sẽ không bán được. Vướng mắc này cần sớm tháo gỡ, vì tài sản đã đưa ra thế chấp phải chấp nhận theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính trong việc phát mại tài sản. Hiện công tác phát mại tài sản của các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, khiến nợ xấu khó xử lý và ngân hàng phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng.
Đó là những vấn đề được ngành ngân hàng đặt ra trong năm nay và là trọng tâm của mục tiêu trong tái cấu trúc ngành. Trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020, có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Điều kiện tiên quyết để giải quyết được căn bản về nợ xấu là tháo gỡ những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo, đồng thời hình thành thị trường mua bán nợ. Để làm được điều này, cần có một đạo luật để giải quyết tất cả những rào cản đang tồn tại trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm thì mới có thể xử lý được căn bản vấn đề nợ xấu.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ở 3 ngân hàng “0 đồng” (OceanBank, CBank, GPBank) cũng là mục tiêu được ngành ngân hàng đặt ra năm nay và tôi cho rằng, điều đó là hết sức cần thiết. Sau một thời gian mua lại các ngân hàng “0 đồng” và chỉ đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tham gia hỗ trợ thì đến thời điểm này, NHNN cũng nên “buông ra" để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua lại cổ phần nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều rằng, giải pháp mua lại 3 ngân hàng “0 đồng” chỉ là nhất thời để “cứu cánh” cho các ngân hàng trên tránh được nguy cơ đổ vỡ, tác động lên toàn hệ thống, nhưng đến một lúc nào đó cần phải có phương án giải quyết. Ngoài ra, cần đẩy mạnh M&A để có những ngân hàng tầm cỡ khu vực như một số ngân hàng lớn của Việt Nam kỳ vọng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV).
Trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 27/1/2015 có nhấn mạnh về việc tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu. Được biết, NHNN đang hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.
Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án, mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2017 sẽ được NHNN triển khai một cách đồng bộ với nhiều giải pháp. Trong đó, công tác xử lý nợ xấu sẽ gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng.