Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 3 năm qua, mức độ sử dụng các hoạt động phụ trợ bảo hiểm của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một tăng.
Theo đó, hiện có khoảng 70% doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ để xác định tình trạng, nguyên nhân và mức độ tổn thất, trách nhiệm bảo hiểm…; 65% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm để giải quyết bồi thường, quản lý hồ sơ, quản lý đại lý...; gần 40% doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng hoạt động tư vấn bảo hiểm và đánh giá rủi ro như là một công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh...
Thực tế cho thấy, sự phát triển hoạt động phụ trợ bảo hiểm song hành với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, nhưng theo Bộ Công thương, hiện nay, công tác thống kê, tổng hợp về hoạt động phụ trợ bảo hiểm chưa được thực hiện do thiếu nguồn thông tin đủ tin cậy. Điều này dẫn tới quyền và lợi ích của các bên tham gia sử dụng hoạt động phụ trợ bảo hiểm không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, cũng vì thiếu khung pháp lý quy định chi tiết và cụ thể về hoạt động phụ trợ bảo hiểm nên một số đơn vị cung cấp hoạt động này tại các thị trường bảo hiểm phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản… gặp khó khăn khi muốn gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Theo quy định hiện hành (Điều 89 - Luật Kinh doanh bảo hiểm), doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp thực hiện các nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm. Điều này bó hẹp hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm vì chưa có cơ sở pháp lý. Trong khi trên thực tế, các công ty môi giới bảo hiểm tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có khả năng thực hiện các hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, hỗ trợ bảo hiểm.
Về hoạt động giám định tổn thất, tuy Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 đã đề cập đến, nhưng chưa cụ thể, thiếu tính chuyên biệt về hoạt động phụ trợ bảo hiểm do thiếu các quy định về nội dung, tiêu chuẩn, điều kiện và nguyên tắc hoạt động; nội dung hợp đồng dịch vụ; điều kiện cung cấp hoạt động phụ trợ bảo hiểm qua biên giới...
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công ty công nghệ đã chính thức tham gia vào thị trường bảo hiểm với vai trò là đơn vị tư vấn, môi giới, thậm chí hỗ trợ giải quyết bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
"Những công ty này không phải là doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng lại vận hành như một công ty bảo hiểm và phải liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm gốc. Điều này có thể gây rủi ro lớn cho khách hàng, vì khi mua bảo hiểm khách hàng sẽ chỉ biết đến các công ty công nghệ, không thể biết được doanh nghiệp bảo hiểm nào cung cấp sản phẩm đó. Mặt khác, các công ty công nghệ hầu hết là những công ty khởi nghiệp nên họ có thể thông báo phá sản bất kỳ lúc nào. Khi đó, khách hàng rất khó để đòi bồi thường", vị lãnh đạo trên cho hay.
Để tránh các rủi ro cũng như giúp cơ quan quản lý tăng cường việc kiểm tra, giám sát, theo vị này, cần đưa các quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
"Tương tự hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nếu không được kiểm soát thì sẽ khó đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm", vị này nhấn mạnh.
Căn cứ thực trạng hoạt động phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp:
- Quy định chung về nội dung hoạt động phụ trợ bảo hiểm: phạm vi, đối tượng áp dụng, định nghĩa, nội dung hoạt động;
- Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc hoạt động phụ trợ bảo hiểm, nội dung hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp hoạt động phụ trợ bảo hiểm qua biên giới;
- Quy định về quản lý nhà nước về hoạt động phụ trợ bảo hiểm: quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo;
- Bổ sung quy định doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm, hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm, hoạt động hỗ trợ bảo hiểm.