Vấn đề này tiếp tục được xới lên tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm nay, ở cấp độ mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ phía các chuyên gia và các cán bộ lão thành còn nhiều tâm huyết với thời cuộc. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét, cổ phần hóa DNNN so với tiến độ mục tiêu còn quá chậm, mục tiêu phải cổ phần hóa xong 432 DN trong hai năm 2014 - 2015 khó có thể hoàn thành.
Theo ông Mão, ngoài các nguyên nhân khách quan của thị trường tài chính và chứng khoán, lý do quan trọng là do Quốc hội đến nay vẫn chưa có nghị quyết chuyên đề hay luật riêng về cổ phần hóa DNNN. Cần phải coi cổ phần hóa trong năm 2015 và những năm tiếp theo là nội dung trọng điểm, trong đó Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng.
“DNNN là nguồn lực rất lớn của Nhà nước với tài sản sản đáng giá hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, hầu như nguồn lực này chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng công cụ pháp lý đủ mạnh. Hiện nay, mới chỉ có nghị quyết của Chính phủ, còn Quốc hội hầu như chưa có nghị quyết và cũng không có luật nào về cổ phần hóa. Tôi đề nghị cần ban hành sớm luật về cổ phần hóa, hoặc nghị quyết của Quốc hội, có như vậy mới giải quyết được vấn đề và hy vọng cổ phần hóa đi đúng mục tiêu, chất lượng, tiến độ”, ông Vũ Mão nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng giục giã cần nhanh chóng có Luật Cổ phần hóa.
“Theo tôi, đã đến lúc cần có Luật Cổ phần hóa, bởi có vô vàn vấn đề cần kiểm soát để không thất thoát tài sản của Nhà nước. Hiện nay, khối tài sản do DNNN sở hữu rất lớn, khi đưa ra xã hội sử dụng thế nào, hiệu quả đến đâu, cần phải có sự giám sát của Quốc hội với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất. Đây cũng là thước đo để DNNN hoạt động hiệu quả hơn”, bà Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TSKH Võ Đại Lược nhấn mạnh vai trò giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội để đảm bảo tiến trình cổ phần hóa đi đúng hướng và tránh thất thoát tài sản. Đồng thời cho rằng, việc ban hành một luật chuyên biệt về cổ phần hóa là rất cần thiết để hạn chế những tác động từ xu thế lợi ích nhóm đang ngày càng lớn, cũng như tạo thuận lợi cho việc nới rộng tỷ lệ cổ phần hóa theo hướng giảm tỷ lệ cổ phần chi phối của Nhà nước.
“Hiện nay, các nhóm lợi ích hoạt động quá mạnh, lăm le chiếm nguồn lợi họ kiếm được, đó là thách thức lớn. Vậy nên, Quốc hội cần phải có luật về cổ phần hóa DNNN để kiểm soát vấn đề này. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 140 DNNN được cổ phần hóa, song chủ yếu Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, số DN có tỷ lệ Nhà nước nắm giữ dưới 50% khá ít. Luật về cổ phần hóa cũng sẽ giải quyết tình trạng này”, ông Lược nói.
Ông Trần Tiến Cường, chuyên gia về cổ phần hóa cho rằng, lẽ ra phải tiến hành xây dựng luật về cổ phần hóa từ lâu, vì cổ phần hóa DNNN là vấn đề lớn, làm thay đổi sở hữu Nhà nước tại DNNN, cũng như thay đổi vị trí của kinh tế nhà nước trong phạm vi ngành và nền kinh tế.
Ông Cường cho biết, ở một số nước, việc tăng, giảm vốn nhà nước vượt quá tỷ lệ tối đa hoặc thấp dưới tỷ lệ tối thiểu do Quốc hội quy định và phê chuẩn. Có nước ban hành đạo luật tạo khung khổ chung cho các hoạt động tư nhân hóa, quy định quyền hạn của chính phủ trong thực hiện tư nhân hóa DNNN, như Pháp. Còn tại Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, cổ phần hóa chỉ thực hiện theo các nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành, chứ chưa có đạo luật quy định khung hay quy định chi tiết về cổ phần hóa DNNN. Trong khi đó, việc đầu tư, sử dụng vốn thành lập, tổ chức, quản lý DNNN hay doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được quy định trong một số luật như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp.
“Nhưng việc cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước - những hoạt động thoái đầu tư cần xử lý nhiều vấn đề, liên quan đến vốn, tài sản, cán bộ quản lý, người lao động…, đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược thì lại chưa có luật quy định. Đây có thể coi là một nghịch lý. Vì vậy, việc ban hành luật về cổ phần hóa DNNN là cần thiết để tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho cổ phần hóa những doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp quan trọng, doanh nghiệp trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng và thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp”, ông Cường phát biểu.