Sức hút từ nền tảng cơ bản
Giới chuyên gia, nhà đầu tư có mặt tại sự kiện đều đánh giá điểm mạnh nổi trội của BSR là nền tảng cơ bản tốt, thể hiện trên 3 khía cạnh gồm thị trường, quy mô sản xuất-kinh doanh và năng lực tài chính.
Theo phân tích của ông Trần Thăng Long, Trưởng Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán BSC, hiện BSR vận hành 107% công suất, nhưng mới đáp ứng được hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Dù có thêm Nhà máy Nghi Sơn hoạt động, song cả 2 nhà máy lọc dầu mới đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu, vẫn phải nhập khẩu thêm 20% nữa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam theo dự báo của Wood Mackenzie tăng trung bình 5,6%/năm đến 2035.
Lợi thế khác đến từ quy mô lớn và đang tiếp tục mở rộng. Hiện mỗi năm BSR có sản lượng tiêu thụ đạt xấp xỉ 6,8 triệu tấn. Nhờ vậy quy mô doanh thu trung bình đạt khoảng 80.000 tỷ đồng/năm (tính theo số liệu năm 2017). Đáng lưu ý là “crack spreads” (một thuật ngữ được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu mỏ - PV) của nhà máy đạt 14,34 USD/thùng trong năm 2017, trong khi điểm hòa vốn của ngành lọc hóa dầu trên thế giới chỉ 6-7 USD/thùng.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, nhà máy đã đi vào vận hành 7 năm nên quản trị ổn định, thiết lập được hệ thống đối tác gắn kết, chất lượng sản phẩm đồng đều và đặc biệt, có đội ngũ nhân lực tay nghề cao, liên tục sáng tạo, đổi mới. Kể từ khi vận hành, BSR đã triển khai hơn 200 giải pháp sáng tạo trong sản xuất-kinh doanh, đem lại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, với tỷ lệ tiết giảm chi phí ước khoảng 20% trong năm 2017.
Đánh giá của ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho thấy, sản phẩm của BSR có lợi thế về giá. Chi phí vận chuyển, bảo hiểm, các điều khoản hợp đồng thanh toán bằng đồng nội tệ (hạn chế được rủi ro tỷ giá), cỡ tàu… của BSR có nhiều thuận lợi hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Đồng thời, chất lượng sản phẩm của nhà máy có mức độ tương đương, thậm chí cao hơn so với hàng nhập khẩu. Đó chính là những ưu thế khiến sản phẩm của BSR làm ra không đủ bán.
Các chỉ số cũng phản ánh sức khỏe tài chính của BSR lành mạnh, với lợi nhuận cao, đạt hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2017; dòng tiền hoạt động kinh doanh lớn, tiền mặt đạt trên 11.000 tỷ đồng; nợ/vốn chủ thấp (0,69x), chỉ số thanh toán hiện hành cao (2,5), thanh toán nhanh (1,76)... BSR cũng đã thiết lập được hàng rào phòng vệ sự bấp bênh của giá dầu bằng các giải pháp như đẩy mạnh hệ thống điều độ, xây dựng hệ thống định mức tối thiểu, vận hành an toàn, dự trữ dầu thô và sản phẩm ở mức an toàn, mua bán kỳ hạn…
Dự phóng của BSC về lợi nhuận giai đoạn 2017-2021 của BSR ở mức khá cao, từ 7.400-8.700 tỷ đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với kế hoạch thận trọng mà BSR xây dựng trong Bản cáo bạch.
Với những nhà đầu tư cá nhân như ông Võ Trí Quang Nguyên, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán MBS TP.HCM, bên cạnh yếu tố cơ bản như đã phân tích ở trên, điểm hấp dẫn của đợt IPO 242 triệu cổ phần BSR vào ngày 17/1/2018 đến từ tỷ lệ chào bán hợp lý ra thị trường.
Ông Nguyên cho rằng, xấp xỉ 8% cổ phiếu lưu hành, trong đó đợt chào bán dự kiến thu hút nhiều quỹ đầu tư, thậm chí là cả các nhà đầu tư có mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của BSR tham gia, sẽ khiến cho nguồn cung cổ phiếu BSR trên thị trường thứ cấp cô đặc. Đây là một yếu tố được các nhà đầu tư bám sàn đánh giá rất quan trọng, bởi hiện nay, trên HOSE, những cổ phiếu vốn hóa lớn, tỷ lệ cổ phiếu lưu hành thấp, có mức giá rất hấp dẫn.
Yếu tố lưu ý
“Nhân vô thập toàn”, dẫu sao cổ phiếu BSR cũng có những yếu tố mà nhà đầu tư phải cân đo, đong đếm. Nhóm môi giới Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) có mặt tại buổi roadshow cho biết, cổ phiếu dầu khí đang vào trend (xu hướng), đồng thời với sự tham gia của rất đông nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể là yếu tố đẩy giá cổ phiếu trúng thầu bình quân lên cao. Đua giá có thể là rủi ro lớn, vì nguồn cung BSR tới đây còn phụ thuộc nhiều vào chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Ông Võ Trí Quang Nguyên cũng cho biết, ghi nhận từ thị trường gần đây cho thấy, có một lượng tiền mới rất dồi dào đổ vào TTCK Việt Nam từ các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc. Cạnh tranh về giá trong các đợt IPO, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi nhà đầu tư cá nhân Việt Nam phải rất tỉnh táo, cơ hội không hiếm khi có tiền.
Một rủi ro đầu tư khác đến từ sự bấp bênh của giá dầu. Lịch sử thị trường “vàng đen” mới đây đã cho thấy hoạt động của các công ty dầu khí bị ảnh hưởng lớn đến mức nào khi giá dầu biến động mạnh từ 110 USD/thùng xuống còn 30-35 USD/thùng vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Dư cung toàn cầu vẫn là nỗi lo ám ảnh giới đầu tư quan tâm đến cổ phiếu dầu khí.
Cũng cần lưu ý rằng, các khoản chi phí như khấu hao, lãi suất của BSR sẽ tăng vọt khi dự án nhà máy nâng cấp mở rộng được triển khai và đi vào vận hành từ sau năm 2021, khi tổng vốn đầu tư cần huy động cho dự án ước lên tới 1,8 tỷ USD.