Cân đối nguồn lực cho phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Các chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 đã được quyết định, nguồn lực tài chính cũng đã được cân đối để hỗ trợ phục hồi kinh tế hiệu quả nhất.
Quốc hội nghe báo cáo giải trình trước khi thông qua các nghị quyết về ngân sách

Quốc hội nghe báo cáo giải trình trước khi thông qua các nghị quyết về ngân sách

Linh hoạt nguồn vốn

Tuần qua, Quốc hội lần lượt bấm nút thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

GDP tăng khoảng 6,5%, CPI bình quân khoảng 4,5% là những con số khiến đại biểu còn băn khoăn, nhưng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tuyệt đại đa số các đại biểu có mặt đã nhấn nút thuận. GDP, CPI, cùng 13 chỉ tiêu chủ yếu khác đã được Quốc hội thông qua cũng là cơ sở quan trọng để cân đối các nguồn lực khi dự toán và phân bổ ngân sách cho năm tới.

Lùi thời gian bấm nút hai dự thảo nghị quyết về ngân sách từ sáng xuống chiều 11/11 “do còn một số nội dung cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền”, đa số đại biểu cũng đã nhấn nút thuận cho phương án “tiêu tiền” được trình. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng, mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Quốc hội thống nhất tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.

Quốc hội cũng đồng ý nhiều nội dung bổ sung, điều chỉnh Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo hướng linh hoạt. Chẳng hạn, bổ sung 7.265 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông - Vận tải từ nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ.

Số vốn trên để bố trí cho một dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.

Quốc hội cũng đồng ý bổ sung 31.392 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài cho Bộ Giao thông - Vận tải, đồng thời tăng tương ứng bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 để bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho 5 dự án. Theo đó, một dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư và 4 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.

Phân bổ vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, toàn bộ 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình này giải ngân trong 2 năm 2022-2023.

Cụ thể, năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phân bổ 38.155,353 tỷ đồng cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Số vốn còn lại 137.844,647 tỷ đồng, Chính phủ đã cân đối đủ trong Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đang trình Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, việc giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trước ngày 31/12/2022 là không có khả năng thực hiện được, mà có thể phải kéo dài sang quý I/2023.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung quyết liệt hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao tối đa kế hoạch ngay từ những ngày đầu của năm để đến hết năm 2023 có thể giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình.

Sau thời điểm 31/3/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép xử lý theo hướng, số vốn chưa phân bổ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn chuyển vào dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; số vốn còn lại của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện phân bổ tiếp.

Không chỉ tính cho năm 2023

Không còn quá nhiều yêu cầu định tính như “đẩy mạnh, tăng cường, phấn đấu”, Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã hơn một lần sử dụng các cụm từ nhấn mạnh yêu cầu phải giải quyết “ngay lập tức”, “dứt điểm” với một số vấn đề cấp bách.

Đó là, “tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế”; hay “khắc phục triệt để, hiệu quả tình trạng ‘sở hữu chéo’, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp ‘nội bộ’, ‘sân sau’”.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đó là những việc cần làm ngay. Có những việc như giải quyết tình trạng bất ổn của xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, khắc phục càng nhanh càng tốt, chứ không phải chờ đến hết năm 2023.

“Nhưng cũng có những việc phải tạo cơ chế và hoàn thiện thể chế thì mới có thể giải quyết rốt ráo được, không nhất thiết chạy theo thời gian. Vì thế, những yêu cầu nêu tại Nghị quyết không chỉ cho riêng năm 2023, mà cho cả giai đoạn tới”, ông An trao đổi.

Với phân bổ ngân sách, Quốc hội cũng “lo xa”. Theo đó, về nguyên tắc, Quốc hội đồng ý, đối với việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương, thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Trường hợp điều chuyển nội bộ làm thay đổi tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo ngành, lĩnh vực, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Tương tự, đối với việc thay thế, bổ sung nhiệm vụ, dự án mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng cho phép, trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quyết định linh hoạt, song Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính phủ cũng được giao nhiệm vụ từ năm 2023, xây dựng cơ chế theo dõi số thu thuế của nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp đối với thu nhập phát sinh sau khi cung cấp hàng hóa dịch vụ phân biệt riêng cho cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc này được nêu rõ là để có cơ sở đánh giá, hoàn thiện và bảo đảm chế tài thực hiện chính sách quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài.

Giữa năm 2023 mới tăng lương

Quốc hội quyết định, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Lý do không tăng lương từ ngày 1/1/2023 như đề xuất của nhiều đại biểu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tính toán chính xác kinh phí bù giá cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đối với khoản bù giá bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chính phủ thống kê số liệu phải bù giá đến hết năm 2023 khoảng 15.727 tỷ đồng và đề nghị bố trí dự toán năm 2023 khoảng 8.257 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ sở tính toán khoản dự toán này chưa được thuyết minh đầy đủ, đặc biệt việc xác định số tiền bù giá này đã đồng bộ với các cam kết khác theo đúng thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ theo yêu cầu của Nghị quyết 42/2021/QH15 cũng chưa được thuyết minh rõ.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giao Chính phủ rà soát, tính toán chính xác kinh phí bù giá theo đúng quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 của Quốc hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin bài liên quan