Ông có nhận định gì về tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm 2023?
Kinh tế sẽ hồi phục, bởi tính hiệu quả của chính sách tiền tệ đang dần phát huy tác dụng, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm. Thế nhưng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% không cao, có thể chỉ đạt 5 - 6%.
Có ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa khi dư địa chính sách tiền tệ còn ít. Quan điểm của ông như thế nào?
Lãi suất hiện đã giảm nhiều so với nửa cuối năm ngoái và đang giảm thêm nên khả năng lãi suất điều hành sẽ không giảm mạnh trong thời gian tới. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn, vì chính sách tài khóa đang còn nhiều dư địa hơn chính sách tiền tệ. Bởi lẽ, từ đầu năm đến nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không được như kỳ vọng. Còn chính sách tiền tệ bây giờ đã bão hòa và điều hành nền kinh tế là phải phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Việc này giống như cánh kéo vậy, một cánh hoạt động mà cánh còn lại đứng im thì không thể cắt được.
Xu hướng lãi suất cũng như tỷ giá liệu có chịu áp lực trong những tháng cuối năm?
Từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất dự kiến sẽ không giảm nhiều, bởi dư địa của chính sách tiền tệ còn ít. Thứ nhất là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Mỹ đang hẹp lại. Lãi suất của Mỹ hiện trên 5%/năm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn đang cân nhắc về việc sẽ tăng thêm lãi suất. Còn lãi suất tại Việt Nam khoảng 6 - 7%/năm nên chênh lệch lãi suất không nhiều như trước. Khi khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ thấp, rủi ro dòng vốn đảo chiều gia tăng, tức dòng vốn ngoại có nguy cơ rút ra. Điều này sẽ gây bất lợi lên tỷ giá và lạm phát có thể sẽ quay trở lại.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước không nên giảm thêm lãi suất điều hành, vì việc này có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Bởi lẽ, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ. Với liều thuốc chính sách tiền tệ, đủ liều là tốt, chứ quá liều sẽ có tác dụng phụ. Tác dụng phụ ở đây là nếu quá nới lỏng tiền tệ sẽ dẫn tới rủi ro lạm phát, tỷ giá. Ngược lại, nếu chúng ta thực hiện kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái bằng mọi giá thì phải hy sinh tăng trưởng. Không thể để vòng xoáy như vậy xuất hiện, điều hành chính sách phải mang tính hài hòa và dự báo được, có như vậy thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng ổn định hơn.
Với liều thuốc chính sách tiền tệ, đủ liều là tốt, chứ quá liều sẽ có tác dụng phụ |
Có nghĩa là, nếu giảm thêm lãi suất điều hành cũng không còn nhiều tác dụng?
Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành, chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, nhưng hiện đã bão hòa nên có giảm tiếp lãi suất cũng sẽ khó kích thích kinh tế tăng trưởng thêm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sách tiền tệ hiện đã làm hết sức, tức phát huy hết khả năng, nên bây giờ nếu có nới thêm cũng không mang lại nhiều lợi ích cho việc thúc đẩy tăng trưởng. Lý do là các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nói cách khác là cung - cầu không gặp được nhau. Bởi lẽ, ngân hàng cho vay phải kiểm soát rủi ro, trong khi kinh tế khó khăn tác động lên sức khỏe của doanh nghiệp.
Nhưng lãi vay dự kiến sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới, sau khi các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao trước đây?
Khi ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao thì mặt bằng lãi vay sẽ giảm thêm trong thời gian từ nay đến cuối năm, đồng thời ngân hàng cũng muốn kích cầu tín dụng nên sẽ cạnh tranh về lãi vay nhằm thu hút khách hàng. Song hiện tại, nhiều doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo, không có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, khó chứng minh được dòng tiền, vướng phải nợ xấu…, tức không đủ điều kiện để vay, nên bây giờ lãi suất có giảm thì doanh nghiệp vẫn không vay được vốn.
Cũng phải nói thêm là chính sách tiền tệ có độ trễ tác động. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành khá mạnh, kéo theo lãi suất huy động giảm sâu, song lãi suất cho vay chưa giảm tuyệt đối ngay. Lý do là dòng vốn giá cao mà ngân hàng huy động trước đây chưa thể tiêu thụ hết được.
Thực tế, lãi suất cho vay hiện nay không cao, gần trở về mức trước đại dịch Covid-19, nên lãi suất có giảm nữa thì cũng vậy thôi. Tôi muốn nhắc lại là doanh nghiệp không vay được vốn do họ không đáp ứng đủ điều kiện vay.
Ngân hàng không dám đẩy mạnh vốn cho vay do sức khỏe các doanh nghiệp yếu đi?
Chính sách tiền tệ bây giờ đã bão hòa và điều hành nền kinh tế là phải phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải thận trọng khi cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu. Còn phía doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì khó tiếp cận vốn.
Các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng không dám cho vay, mà phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được dòng tiền nên ngân hàng khó cấp vốn, nếu cho vay sẽ vi phạm nguyên tắc quản lý rủi ro, kéo theo nợ xấu gia tăng.
Nhận định của ông về xu hướng nợ xấu thời gian tới?
Nợ xấu đã có dấu hiệu tăng và trong năm nay có thể sẽ tăng ở mức cao. Vấn đề là các ngân hàng có chuyển nhóm nợ theo bình thường hay không. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng trong hai quý đầu năm nay. Nợ xấu được tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhưng không phải khách hàng nào cũng đáp ứng điều kiện để được tái cơ cấu, nên dự kiến nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Theo ông, tăng trưởng tín dụng năm 2023 có đạt mục tiêu đề ra?
Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng sẽ thấp hơn mức 14% mà ngành ngân hàng đặt ra, nhưng có thể đạt mức 12 - 13% như năm ngoái, chứ không đến nỗi quá thấp so với kỳ vọng, vì nhu cầu vốn cuối năm thường được cải thiện.
Vậy lợi nhuận ngân hàng năm nay có bị ảnh hưởng?
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay nhìn chung vẫn khả quan. Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm tốc, nhưng không giảm nhiều so với năm ngoái. Tức là, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay sẽ tăng chậm, chứ không giảm. Nếu lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.