Khả quan nhất thì đến năm 2018, Việt Nam mới có quỹ hưu trí đầu tiên đi vào hoạt động thông qua nhà lập quỹ là CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Ðáng nói là sau khi đề án trên được ban hành, rất nhiều ý kiến từ các công ty quản lý quỹ, các chuyên gia đã đề xuất nhà quản lý cần có hệ thống giải pháp hỗ trợ, nhất là về thuế và phí để khuyến khích quỹ hưu trí sớm ra đời, nhưng các kiến nghị vẫn chỉ là… kiến nghị.
Mới đây nhất, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017, Nhóm công tác thị trường vốn đã trực tiếp phản ánh nội dung này đến lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành chức năng, ngõ hầu sớm có cơ chế tiếp sức cho quỹ hưu trí ra đời.
Theo nhìn nhận của Nhóm công tác thị trường vốn, chính sách ưu đãi thuế cho việc đóng góp vào quỹ hưu trí chưa phù hợp, mặc dù đây là yếu tố quyết định sự thành công của các quỹ hưu trí tự nguyện.
Chính sách thuế hiện tại cho phép miễn thuế tối đa 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động khi góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để các đối tượng tham gia quỹ này.
Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, ngay cả khi Nhà nước miễn thuế với khoản đóng góp vào quỹ lớn hơn mức 1 triệu đồng như hiện tại, đồng thời miễn thuế cả với khoản thu nhập nhận được từ hoạt động đầu tư của quỹ, rút tiền khỏi quỹ thì cũng khó thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia loại hình quỹ này.
Là loại hình quỹ mới, quỹ hưu trí cần có thời gian hoạt động 3 - 5 năm để chứng tỏ sự an toàn trong quản lý và đầu tư tài sản của người tham gia quỹ, cũng như mang lại lợi ích khả quan cho người tham gia.
Từ thực tế trên, nếu không có “cú mồi” về những chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, thì sẽ khó hình thành hệ thống quỹ hưu trí tại Việt Nam trong vài năm tới. Và như vậy, mục tiêu đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế (trong đó, có thị trường vốn, TTCK) khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng, được đặt ra trong Ðề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện, sẽ khó khả thi.
Giới chuyên gia ngành quỹ cho rằng, không ưu đãi thuế thì chính Nhà nước thiệt hại kép: vừa không thu được thuế trong giai đoạn ban đầu, do quy mô quỹ hưu trí nhỏ, khả năng có lãi để đóng thuế không cao, vừa không tiếp sức cho loại hình quỹ này sớm ra đời.
Ngược lại, nếu Nhà nước chấp nhận đầu tư cho hệ thống quỹ hưu trí bằng gói giải pháp khuyến khích ra đời và hoạt động, nhất là ưu đãi về thuế thì được lợi ích kép.
Ðó là vừa thúc đẩy quỹ hưu trí sớm ra đời, qua đó, góp phần gia tăng tính bền vững cho hệ thống an sinh xã hội, vừa tạo ra dòng vốn mới tham gia TTCK, từ đó góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, giúp ngân sách nhà nước, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong huy động vốn.