Báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2016 của Vietcombank được công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9 chiếm 1,73% trên tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (1,84%). Tuy nhiên, trong đó, số nợ nghi ngờ tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên 1.745 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của VIB tính đến hết quý III/2016 cũng giảm về mức 1,54%, so với con số 1,84% của cuối quý II/2016 và 2,07% vào cuối năm 2015; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,6%, vượt khá xa so với quy định (9%).
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã xử lý, thu hồi được hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu, đưa tổng số nợ xấu liên quan đến 6 công ty của “bầu” Kiên từ mức 5.800 tỷ đồng xuống còn 3.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ACB theo đó cũng dần giảm bớt. Báo cáo tài chính bán niên 2016 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ACB đã giảm từ 1,31% tại thời điểm đầu năm, xuống còn 1,24% tính đến cuối tháng 6/2016. Tuy nhiên, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lại tăng 26% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 1.338 tỷ đồng.
Còn tại BIDV, thông tin từ Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức mới đây cho thấy, kết thúc 9 tháng đầu năm, BIDV có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là gần 7.000 tỷ đồng, tăng 46%.
Thống kê tại 9 ngân hàng niêm yết tính đến cuối tháng 6/2016 cho thấy, các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, quá trình xử lý nợ xấu đã được các ngân hàng rốt ráo thực hiện. Mặc dù vậy, việc xử lý nợ mới chỉ thay đổi về lượng, mà chưa biến chuyển về chất. Trong khi đó, kết quả thu hồi nợ của VAMC cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với những khoản nợ mà tổ chức này đã thu mua cho thấy, vẫn còn có những hạn chế nhất định trong cơ chế, cũng như quyền hạn của tổ chức này.
Theo tính toán của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), hiện tổng nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng ước đạt khoảng 9,2% GDP. Tuy nhiên, HSC cho rằng, chưa cần phải sử dụng đến nguồn lực của ngân sách để xử lý nợ xấu, bởi trong 4-5 năm vừa qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực trong việc xử lý và xóa nợ xấu bằng nguồn lực của chính các ngân hàng thương mại thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, HSC cho biết, tại thời điểm cuối tháng 6/2016, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đạt 129.960 tỷ đồng (theo ước tính từ báo cáo hàng tháng mà các ngân hàng thương mại nộp lên Ngân hàng Nhà nước), bằng 3,45% GDP danh nghĩa (số liệu 6 tháng đầu năm). Trong khi đó, tính đến hết quý II/2016, VAMC nắm giữ 217.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các ngân hàng thương mại (trong đó, VAMC đã mua tổng cộng 251.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được 34.000 tỷ đồng), tương đương 5,75% GDP. Như vậy, khi cộng cả 2 con số này thì tổng mức nợ xấu là 346.960 tỷ đồng; tương đương 9,2% GDP (tại thời điểm cuối tháng 6).
Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, theo nhận định của HSC, trong vòng 2-3 năm tới, một phần đáng kể nợ xấu có thể được xử lý. Cách thức xử lý vẫn là sử dụng thu nhập hoạt động thuần của các ngân hàng thương mại để bù đắp cho các khoản nợ, đến khi nào giá trị sổ sách của nợ xấu giảm xuống bằng với định giá trên thị trường. Và khi đó, nợ xấu sẽ được bán thông qua thị trường mua bán nợ. Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng nền tảng pháp lý cho thị trường mua bán nợ trong thời gian qua, bên cạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng thương mại như hiện nay, HSC cho rằng, việc xử lý nợ xấu thông qua thị trường mua bán nợ có thể sẽ bắt đầu vào nửa cuối 2017.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, với việc chuyển nợ từ các ngân hàng sang VAMC để tạm thời quản lý, thì đương nhiên, nợ xấu của hệ thống ngân hàng giảm, nhưng nợ xấu của nền kinh tế chưa giảm bởi vẫn nằm ở VAMC. Mặt khác, báo cáo tài chính của một số tổ chức tín dụng cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay, nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Đây tiếp tục là thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt khi giải quyết vấn đề nợ xấu. Bởi vậy, theo ông Ngân, nhất thiết phải xử lý “cục nợ” này. Ngân hàng đã trích dự phòng, nhưng cần báo cáo cụ thể số tiền trích lập, nhằm tính toán ngân hàng có khả năng mỗi năm trích 20% dự phòng cho khoản nợ xấu tại VAMC hay không, từ đó mới nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu.
Thống kê tại 9 ngân hàng niêm yết tính đến cuối tháng 6/2016 cho thấy, các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015. Bên cạnh đó, với hệ thống các ngân hàng quy mô nhỏ, sau quá trình tái cơ cấu, nợ xấu cũng có xu hướng tăng, cho dù đã nỗ lực xử lý khối nợ xấu bán cho VAMC. Nợ xấu tăng khiến trích lập dự phòng rủi ro cũng sẽ tăng tương ứng và điều này sẽ còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong những năm tới.
Trong khi đó, việc thị trường bất động sản ấm lên cũng sẽ tạo điều kiện tốt cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng thừa nhận, muốn xử lý được nợ xấu, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về thủ tục, hành lang pháp lý trong phát mãi tài sản đảm bảo. Vấn đề này, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, chính là rào cản lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay, nên khó có thể đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, việc VAMC triển khai mua bán nợ theo giá thị trường, theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC - ông Nguyễn Quốc Hùng, cũng là vấn đề hết sức khó khăn, bởi nếu bán các khoản nợ đã mua với giá cao thì không ai mua, mà bán rẻ quá thì các tổ chức tín dụng không đồng ý.