Thế nhưng, bên cạnh những băn khoăn, thắc mắc về thông tin công bố chưa đầy đủ, chưa thấu đáo, có thể khiến người mua nhà dao động, câu hỏi lớn nhất mà thị trường đặt ra là con số dự án thế chấp ngân hàng được công bố quá ít, thiếu nhiều tên tuổi nổi cộm, khiến nhiều người nghi ngờ sự chưa thực sự minh bạch hoặc chí ít là cái nhìn thiếu toàn diện của cơ quan chức năng.
Nếu đúng như vậy, điều này có thể tạo ra sự mất công bằng lớn giữa các chủ đầu tư!
Không giống với việc cơ quan thuế công bố doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất trước đó, hay việc Công an Phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố dự án không đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy mới đây. Khi đó, các doanh nghiệp trong diện công bố thường im lặng, như một sự thừa nhận trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và với cư dân, dù họ biết rằng, những danh sách đó cũng chưa thật đầy đủ.
Ngược lại, việc công bố dự án thế chấp ngân hàng mới đây lại khiến một số doanh nghiệp có phản ứng khá dữ dội.
Trao đổi với người viết, đại diện một chủ đầu tư có dự án được liệt trong danh sách thế chấp ngân hàng tại Hà Nội nói chắc như đinh đóng cột rằng, chuyện đem dự án thế chấp để có tiền triển khai dự án thì hầu hết các doanh nghiệp đều làm, không chỉ có vài chục dự án như công bố.
Theo vị này, kể cả những doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực nhất hiện nay cũng thế chấp dự án ở ngân hàng. Dẫn chứng là thống kê của Bộ Xây dựng có đến hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản hiện nay vẫn là vốn vay ngân hàng và như vậy, chuyện một số doanh nghiệp bị bêu danh thế chấp dự án ở ngân hàng hiện nay chỉ như phần nổi của tảng băng.
Trên thực tế, sau khi danh sách dự án thế chấp tại ngân hàng được công bố, thị trường địa ốc đã có những phản ứng tiêu cực.
Một đại diện đơn vị phân phối có tiếng tại Hà Nội khẳng định, các dự án có tên trong danh sách thế chấp ngân hàng, nếu đang trong giai đoạn bán hàng, sẽ gặp nhiều khó khăn do khách hàng sẽ cảnh giác hơn, thậm chí trì hoãn việc mua nhà để... nghe ngóng.
Để “hóa giải” hệ lụy này, nhiều doanh nghiệp thế chấp dự án đã phải lên tiếng trên các phương tiện truyền thông khẳng định việc thế chấp dự án tại ngân hàng không ảnh hưởng gì đến khách hàng.
Ngay cả cơ quan công bố danh sách là Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội cũng đã có động thái “chữa cháy" khi mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở lên tiếng “đính chính” việc các dự án thế chấp ngân hàng vẫn đang “trong tầm kiểm soát” và không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, bất động sản là ngành kinh doanh rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin dạng rỉ tai. Tin đã phát ra, doanh nghiệp “được vạ thì má đã sưng”. Những dự án đang trong giai đoạn mở bán có tên trong danh sách dự án thế chấp ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, sự lo lắng, cảnh giác của khách hàng đang có xu hướng lan sang cả những dự án không có tên trong danh sách dự án thế chấp được Sở Tài nguyên - Môi trường công bố.
Tiền là trong túi khách hàng, trong khi mua nhà là việc cả đời, cẩn thận một chút cũng là việc tất nhiên. Từ tâm lý đó, các chủ đầu tư trong danh sách chịu trận và ngậm ngùi ngó sang các dự án khác… “chưa lộ diện”.
Thực tế, công bố đi kèm với giải thích thấu đáo các dự án thế chấp ngân hàng là cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho người dân. Nhưng cơ quan chức năng cần công bố tất cả các dự án thế chấp ngân hàng một cách đầy đủ để tránh rủi ro cho khách hàng.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nhiều dự án được chủ đầu tư thế chấp vay vốn để phát triển. Vấn đề này, các địa phương nắm rất rõ. Vì vậy, ông Liêm cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương cần có trách nhiệm công bố thông tin rõ ràng các dự án được thế chấp, thời gian vay, số vốn vay, phương án trả nợ… trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ có coi việc công bố tất cả các dự án được thế cấp như việc làm thường kỳ, mới tránh được sự xao động không đáng có của người mua nhà, tác động tiêu cực đến thị trường.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com