Cần có sự đồng thuận

Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: lạm phát ở mức cao, nhập siêu ngày càng tăng…, điều này tác động không tốt đến TTCK. DN tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng khó khăn hơn, các dự án đầu tư bị ngưng trệ hoặc phải huỷ bỏ, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, kéo theo sự suy giảm lợi nhuận, đặc biệt DN có khoản đầu tư tài chính lớn phải chịu những thiệt hại nặng nề và làm xói mòn niềm tin của cổ đông.

TTCK là thị trường của niềm tin, khi niềm tin không còn, NĐT sẽ rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường giảm mạnh cũng là lúc có nhiều cơ hội dành cho NĐT dài hạn, có bản lĩnh; là lúc dễ mua nhất để sở hữu những cổ phiếu tốt với giá hợp lý.

Trong thời gian qua, TTCK liên tục sụt giảm khiến NĐT nản lòng, nhiều giải pháp bình ổn thị trường chưa hiệu quả, xảy ra tình trạng NĐT yêu cầu cơ quan quản lý phải có chính sách hỗ trợ. Còn phía cơ quan quản lý thì cho rằng, NĐT không hợp tác, bán tháo cổ phiếu. Thử hỏi, NĐT có bình tĩnh được không, khi số tiền thua lỗ càng lúc càng lớn, nhất là khi số tiền ấy đến từ các khoản vay đã đến hạn trả nợ. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là giúp thị trường đi vào ổn định và phát triển, công khai và minh bạch, hạn chế tối đa hành vi tiêu cực để tạo công bằng cho NĐT tham gia thị trường, chứ không phải là việc điều chỉnh cho bảng điện tử xanh - đỏ theo ý chủ quan.

TTCK chịu tác động của rất nhiều yếu tố và giá cả tuân theo quy luật cung cầu, khi cầu lớn hơn cung, tất yếu giá sẽ tăng và ngược lại. TTCK tăng rồi lại giảm, giá cổ phiếu giảm rồi lại tăng cũng là chuyện bình thường. Trong giai đoạn khó khăn này, cần có sự đồng thuận từ NĐT và cơ quan quản lý để vực dậy thị trường, chứ sao lại đổ lỗi cho nhau.