Sự mất giá của tiền đồng tạo ra cả lợi và hại.

Sự mất giá của tiền đồng tạo ra cả lợi và hại.

Cần có kịch bản cụ thể khi USD tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, để đối phó với việc đồng USD tăng giá và tác động đến nền kinh tế, Việt Nam cần lên các kịch bản cụ thể để chuẩn bị cho những biến động sắp tới. Hồng Dung thực hiện.

USD đã tăng mạnh kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ, phản ánh kỳ vọng về mức thuế cao hơn và ít đợt cắt giảm lãi suất hơn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Ngược lại, giá vàng đã giảm, đảo ngược đà tăng liên tục trong một năm qua. Theo ông, những động lực này có thể kéo dài trong trong bao lâu? Kịch bản ngắn và trung hạn cho đồng USD sẽ là gì?

Thời gian qua, đặc biệt là từ ngày 6/11/2024, sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, đồng USD đã tăng giá mạnh so với hầu hết ngoại tệ trên thế giới. Tổng thống Donald Trump tái đắc cử đã tạo ra sự phấn khích trên thị trường tài chính thế giới, nhất là thị trường chứng khoán và thị trường ngoại tệ.

Trước khi có kết quả bầu cử, giá trị của đồng USD được đo lường qua chỉ số USD-Index chỉ ở mức 103,42 vào ngày 5/11/2024. Tuy nhiên, một ngày sau đó, chỉ số này bật tăng lên mức 105,8.

Sự phấn khích của thị trường tài chính sau khi ông Trump thắng cử cũng góp phần đẩy giá vàng lùi sâu, từ mức gần 2.743 USD/ounce ngày 5/11/2024 xuống còn 2,637 USD/ounce ngày 6/12/2024.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vàng có thể bật tăng trở lại nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất thêm 0,25% từ nay đến cuối năm trong bối cảnh thị trường lao động của Mỹ đang khá khả quan và lạm phát vẫn trong xu hướng hạ nhiệt, tiến về lạm phát mục tiêu 2% và chỉ số USD-Index có thể giảm xuống.

Dù vậy, việc vàng có thể quay lại mức 2.800 USD/ounce như trước hay không trong năm nay vẫn để ngỏ, khi những yếu tố địa chính trị hiện tại đang hỗ trợ giá vàng.

Cụ thể, tình hình khu vực Trung Đông với sự xung đột giữa Nhà nước Do Thái và các nhóm đối lập Hamas, Hezbollah chưa có dấu hiệu bước vào đàm phán giải quyết chiến tranh, hay xung đột giữa Ukraine với Nga đang leo thang, tình hình căng thẳng tại Syria, bên cạnh đó là sự kiện ở khu vực Bắc Á như Tổng thống Hàn Quốc rút lại lệnh thiết quân luật... Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2024, USD có khả năng tiếp tục mạnh hơn và giá vàng khó vượt qua mức 2.700 USD/ounce.

Hướng đến năm 2025, với dự báo lạm phát của Mỹ có thể tăng, Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và có thể đẩy giá trị USD xuống, đồng thời có thể khiến giá vàng thế giới tăng trở lại.

Tuy vậy, việc kim loại quý này có thể tăng lên đến 3.000 USD/ounce hay không cũng là một ẩn số, cho dù sẽ có biến động mạnh hơn do tác động của yếu tố địa chính trị cũng như các chính sách tiền tệ và thương mại quốc tế của Mỹ.

Liệu tất cả diễn biến trên đều liên quan đến ông Trump?

Chắc chắn chiến thắng của ông Trump là một yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt với thị trường chứng khoán và thị trường vàng. Chúng ta có thể thấy rõ đà tăng mạnh mẽ của chỉ số Dow Jones sau khi ông Trump tái đắc cử, thể hiện sự phấn khích của thị trường tài chính.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác tác động như các quốc gia BRICS đã cố gắng tìm một đồng tiền thay thế USD nhưng không thành công, điều này càng củng cố vị thế của “đồng bạc xanh”. Theo Statistica 2023, khoảng 88% khối lượng giao dịch ngoại hối trên thị trường tiền tệ toàn cầu vẫn sử dụng đồng USD.

Như ông đề cập ở trên, một trong những thách thức lớn nhất đối với USD là lạm phát?

Đúng vậy và đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Việc tăng mạnh thuế nhập khẩu vào Mỹ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia xuất siêu vào Mỹ (trong đó, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có xuất siêu lớn nhất) có thể dẫn đến việc tăng giá hàng hóa tiêu thụ tại đây.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Ngoài ra, nếu ông Trump thực hiện kế hoạch trục xuất hàng triệu lao động nhập cư bất hợp pháp sẽ tạo sự khan hiếm lao động giá rẻ tại Mỹ và làm tăng giá lao động trong nước. Khi giá cả hàng hóa và giá lao động tăng mạnh, điều này có thể tạo ra áp lực đẩy lạm phát tăng cao, từ đó có thể kéo giảm giá trị USD vì khi giá hàng hóa tăng, đồng tiền mất đi sức mua và giá trị.

Ở chiều ngược lại, khi lạm phát tăng, Fed có thể sẽ lại tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và làm tăng giá trị của “đồng bạc xanh”. Năm 2025 có thể chứng kiến sự giằng co dữ dội giữa các lực kéo và lực đẩy giá trị USD. Tỷ giá USD/VND cũng vì thế được dự báo sẽ biến động khó lường.

Ngoài ra, chính sách tài khóa của ông Trump cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu ý. Ông Trump chủ trương giảm thuế đối với giới tài chính và các tầng lớp giàu có tại Mỹ. Mặc dù chính sách này có thể tạo ra động lực cho nền kinh tế, nhưng nó đồng thời làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công.

Song song với việc giảm thuế, Chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với việc tăng chi tiêu, điều này có thể dẫn đến việc phát hành nhiều trái phiếu chính phủ hơn để huy động vốn nhằm cân bằng ngân sách.

Để thu hút người mua trái phiếu, Mỹ sẽ cần đưa ra mức lãi suất cao hơn, điều này có thể tạo ra áp lực tăng lãi suất không chỉ trong nước, mà còn tác động đến thị trường tài chính toàn cầu.

Cuối cùng, dự báo của tôi là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ cùng hỗ trợ sức mạnh của đồng USD.

Tác động của việc tăng giá đồng USD đối với các đồng tiền ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, sẽ như thế nào?

Khi lãi suất của Mỹ tăng có thể làm tăng giá trị đồng USD. Đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, sự tăng giá của USD sẽ làm giảm giá trị của các đồng tiền trong khu vực. Từ đầu tháng 10/2024, các đồng tiền như Singapore Dollar, Thai Baht, Malaysian Ringgit và Indonesian Rupiah… đều đồng loạt mất giá so với USD.

Với Việt Nam, sự mất giá của tiền đồng tạo ra cả lợi và hại. Lợi ích là tỷ giá cao có thể hỗ trợ xuất khẩu, vì hàng hóa xuất khẩu sẽ trở nên rẻ hơn với các đối tác quốc tế.

Ngược lại, tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí nhập khẩu. Khi nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, giá hàng hóa nhập khẩu sẽ hòa vào giá cả chung trong nước và tạo ra một động lực thúc đẩy lạm phát.

Nếu tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp ổn định, trong đó có việc tăng lãi suất để tăng giá trị của VND so với USD. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất có thể đi ngược lại với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vì lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí vay mượn của các doanh nghiệp, ảnh hưởng hiệu suất kinh doanh và tăng trưởng GDP.

Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào trước sự tăng giá của USD?

Để đối phó với việc USD tăng giá và tác động đến nền kinh tế, Việt Nam cần chuẩn bị các kịch bản cụ thể. Trong trường hợp USD tăng mạnh, cần đánh giá tác động đến tỷ giá tiền đồng và điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp, nhất là việc duy trì sự ổn định của tỷ giá để hạn chế áp lực lạm phát và bảo vệ sức mua trong nước.

Đồng thời, Chính phủ có thể cần phải xem xét các biện pháp can thiệp để kiềm chế sự gia tăng quá mức của tỷ giá, đặc biệt khống chế nạn “chợ đen”, tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu và nhập khẩu.

Trong kịch bản ngược lại, nếu USD suy yếu, Việt Nam sẽ phải đánh giá tác động đến tỷ giá và thực hiện các điều chỉnh chính sách tiền tệ để giữ sự ổn định cho nền kinh tế. Sự yếu đi của đồng USD có thể tạo ra cơ hội thuận lợi cho nhập khẩu của Việt Nam, làm giảm chi phí nhập khẩu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc đồng tiền của các quốc gia lớn suy yếu cũng có thể dẫn đến những tác động cho xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ và châu Âu. Vì vậy, cần có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Dự báo tỷ giá VND/USD có thể tăng khoảng 5% trong năm 2024. Khi ông Trump chính thức lên nắm quyền vào ngày 20/1/2025, các dự báo sẽ trở nên chính xác hơn và tỷ giá có thể tăng từ 3-5% trong năm 2025.

Về ngoại thương, nếu các chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, Chính phủ cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Điều này có thể bao gồm việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để cân bằng cán cân ngoại thương với nước này; tìm kiếm các thị trường mới, cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu, và thúc đẩy các chính sách ngoại thương đa dạng hóa.

Đặc biệt, nếu Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, việc xây dựng kế hoạch để thoát khỏi áp lực này là cần thiết. Điều đó đòi hỏi các biện pháp nâng cao tính minh bạch của các thông tin liên quan đến chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối và các biện pháp bao gồm phát hành tín phiếu để hút thanh khoản trên thị trường .

Theo ông, yếu tố nào sẽ hỗ trợ đồng Việt Nam giữ được sự ổn định?

Một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng là xuất khẩu để đem về một nguồn ngoại tệ dồi dào. Theo dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt nhờ vào các thị trường lớn như Mỹ.

Hơn nữa, chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump đối với Trung Quốc có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng đầu tư sang các nước lân cận, bao gồm Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và chất bán dẫn. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam phát triển và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, đồng thời củng cố sự ổn định của tiền đồng.

Ngoài ra, kiều hối cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định cho đồng Việt Nam. Lượng kiều hối dự báo sẽ không giảm trong năm 2024 so với năm 2023 và có thể tiếp tục tăng trong năm 2025, giúp cải thiện nguồn dự trữ quốc gia và ổn định tỷ giá.

Chính sách hỗ trợ từ quốc tế qua các chương trình ODA, đặc biệt từ Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu, cũng tiếp tục giúp Việt Nam duy trì ổn định tài chính và khả năng chi trả trong năm 2025.

Dự báo của ông về tỷ giá cuối năm 2024 và năm 2025?

Từ đầu năm đến nay, VND đã tăng 4,7% so với USD. Trong khi trước đó, vào thời điểm ông Trump tranh cử, có những lúc tỷ giá VND/USD đã giảm xuống rất thấp. Từng có một dự báo rằng, tỷ giá VND/USD cho cả năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 3%.

Tuy nhiên, việc ông Trump thắng cử đã tạo ra sự phấn khích trên thị trường tài chính, đẩy giá trị USD tăng lên và kéo tỷ giá VND/USD tăng trở lại.

Theo đó, dự báo tỷ giá VND/USD có thể tăng khoảng 5% trong năm 2024. Khi ông Trump chính thức lên nắm quyền vào ngày 20/1/2025, các dự báo sẽ trở nên chính xác hơn và tỷ giá có thể tăng từ 3-5% trong năm 2025.

Ảnh tác giả

Chúng tôi nhận định rằng, đồng USD có khả năng mạnh lên trong năm 2025, nhưng có thể gặp khó khăn và suy yếu trong những tháng đầu năm do Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất cùng sự bất ổn trong triển khai các chính sách kinh tế.

Áp lực từ việc tăng lãi suất nhanh chóng và sự tăng mạnh của đồng USD từ tháng 10/2024 có thể tạo thêm áp lực lên đồng tiền này.

Khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump được làm rõ và triển khai, dự kiến trong nửa cuối năm 2025, đồng USD có thể lấy lại sức mạnh.

Lạm phát kéo dài và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách thị trường ngoại hối hoạt động, đặc biệt liên quan đến chênh lệch lãi suất và hiệu quả kinh tế lâu dài.

Sức mạnh của USD phụ thuộc đáng kể vào các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa của Tổng thống Trump, được dự kiến sẽ thúc đẩy lợi nhuận thực sau lạm phát.

Tuy nhiên, điều này không phải là dấu hiệu tán thành cho các chính sách này, mà là phản ứng trước tình trạng nợ tích lũy cao và chính sách tiền tệ được thắt chặt.

Sự bất ổn về chính sách, bao gồm thời điểm triển khai và tác động thực tế của các biện pháp thuế quan và tài khóa, có thể kìm hãm đà tăng trưởng của USD. Thêm vào đó, những thách thức từ đợt tăng giá gần đây và tác động của việc tăng lãi suất có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của đồng tiền này.

Trong dài hạn, sức mạnh của USD sẽ phụ thuộc vào việc các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô có giữ được tính ổn định lâu dài hay không.

Nếu lạm phát tiếp tục có dấu hiệu không ổn định, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát. Hay nói cách khác, nếu lạm phát tăng mạnh ngoài dự đoán hoặc các biện pháp tài khóa bị trì hoãn, đồng USD sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn.

Đồng USD tăng mạnh tạo ra thách thức cho các đồng tiền trong khu vực châu Á, chủ yếu do chênh lệch lãi suất gia tăng, nhất là đối với các nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng yếu.

Đối với các đồng tiền như IDR (Rupiah Indonesia) và PHP (Peso Philippines), lãi suất cao của Mỹ có thể tạo thêm áp lực, làm chậm quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì giá trị của các đồng tiền này.

Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm đồng Việt Nam. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á.

Các yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Bởi vậy, Việt Nam nên chuẩn bị cho khả năng dòng vốn chảy ra nước ngoài nếu lãi suất của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời, sự bất ổn xung quanh chính sách thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể gây thêm áp lực lên tiền đồng.

Standard Chartered dự báo, việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm đồng USD yếu hơn trong vài quý tới, qua đó dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 đồng/USD trong quý IV/2024 và 25.450 đồng/USD vào quý II/2025.

Các yếu tố có thể hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng bao gồm sự phục hồi trong thặng dư thương mại của Việt Nam (3 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 6/2024), dòng vốn FDI ròng tăng trong các quý gần đây, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ giúp mang lại thêm nguồn thu USD.

Lãi suất thấp hơn của Mỹ có thể giúp ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài và hỗ trợ sự ổn định của đồng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Tin bài liên quan