Vào cuối tuần trước, UBND tỉnh Tiền Giang trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm việc với các Nhà đầu tư và Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị quản trị, điều hành Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm sớm khắc phục những hạn chế trong việc vận hành tuyến cao tốc sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã bộc lộ trong thời gian qua.
Được biết, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5km, được khởi công năm 2009, nhưng bị đình trệ suốt 10 năm. Năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả được mời quản trị và điều hành Dự án.
Sau gần 3 năm triển khai thi công, vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, giá vật liệu tăng phi mã, vận chuyển khó khăn do hạn mặn, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa Dự án về đích đúng hẹn, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.
Từ ngày 30/4/2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được đưa vào khai thác không thu phí trong vòng 90 ngày để đánh giá chất lượng công trình và cũng để người dân trong khu vực quen với văn hóa giao thông khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc.
Theo PGS.TS. Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), quãng thời gian từ năm 2019 đến khi hoàn thành Dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp Dự án đã đối mặt với những khó khăn rất lớn, đó là dịch bệnh, hạn, xâm nhập mặn, khan hiếm nguồn vật liệu dẫn đến giá tăng đột biến.
Đặc biệt, phần lớn tuyến đường đi qua các khu vực nền đất yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên để kịp tiến độ hoàn thành Dự án theo yêu cầu của Chính phủ, nhà đầu tư đã rất nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp đòi hỏi kỹ thuật cao để xử lý, rút ngắn thời gian chờ lún của nền đường…
“Doanh nghiệp Dự án đã thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng BOT với sự kiểm soát đánh giá chặt chẽ của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước”, ông Chủng đánh giá.
Việc vận hành Dự án không thu phí trong thời gian dài sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải tự bỏ nguồn tài chính để phục vụ công tác vận hành, chưa có nguồn thu để hoàn trả vốn và lãi vay cho ngân hàng... Với lưu lượng xe như hiện nay, 90 ngày không thu phí thì nhà đầu tư sẽ hụt nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Doanh nghiệp dự án sẽ phải đối mặt với áp lực lớn từ phía ngân hàng tài trợ vốn cũng như từ phía các nhà đầu tư góp vốn.
“Đây là một hành động đã thể hiện sự thiện chí của nhà đầu tư nhưng Dự án cần phải đưa vào thu phí theo kế hoạch, thực hiện đúng nguyên tắc của hợp đồng và phương án tài chính đã ký để đảm bảo quyền lợi và tạo niềm tin cho doanh nghiệp đã dám mạnh dạn đảm nhận xử lý các vướng mắc, hoàn thành dự án phục vụ cho 21 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này không nên để chậm trễ gây thiệt hại cho nhà đầu tư”, PGS.TS. Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết quan điểm.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau gần 80 ngày đưa vào khai thác (từ 30/4 đến ngày 17/7/2022), đơn vị quản lý vận hành cao tốc đã phục vụ hơn 1.800.000 lượt xe (lưu lượng trong 30 ngày gần đây đạt khoảng hơn 31.000 xe/ngày đêm); giải quyết 55 vụ va chạm; cứu hộ 489 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp hơn 1.100 cuộc gọi.
Được biết, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51.5km, nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trên tuyến bố trí các trạm thu phí gồm: Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, trạm thu phí Cai Lậy, trạm thu phí Cái Bè, trạm thu phí An Thái Trung, tất cả các trạm đều đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng.
Theo hợp đồng BOT, dự án đã đủ điều kiện thu phí chính thức, nhưng để chia sẻ khó khăn với người dân, các doanh nghiệp vận tải… Nhà đầu tư đã thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang kéo dài thời gian lưu thông miễn phí từ 60 ngày lên 90 ngày. Theo kế hoạch, từ 1/8/2022 cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ đưa vào thu phí chính thức.