Nếu cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng quyết tâm phối hợp chống hàng giả, hiệu quả sẽ cao

Nếu cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng quyết tâm phối hợp chống hàng giả, hiệu quả sẽ cao

Cần có cuộc vận động chống hàng giả, hàng nhái

Nạn hàng giả, hàng nhái bùng phát luôn là đề tài chính được trao đổi tại các buổi làm việc gần đây giữa lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM với các doanh nghiệp hội viên. Đã có đề xuất, cần có hẳn cuộc vận động chống hàng giả, hàng nhái quy mô lớn   trên toàn quốc.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng cho biết, năm 2012, nhận thấy các dòng sản phẩm quần áo trẻ em của Minh Long Hưng đắt khách, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái bắt đầu “chiến dịch” làm giả  sản phẩm thương hiệu này. Tuy không có con số thống kê cụ thể, song ông Sinh cho biết, hàng giả, hàng nhái đã khiến doanh thu của Công ty giảm khoảng 20%.

Không chỉ Công ty Minh Long Hưng, mà nhiều doanh nghiệp khác tại TP.HCM cũng rất “đau đầu” với nạn hàng giả, hàng nhái. Có thể kể ra những thương hiệu lớn đang bị làm nhái nhiều, như Nhựa Duy Tân, May Việt Tiến, Dệt may Thắng Lợi, Giày Vĩnh Thịnh…

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, phần lớn doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu tốt, hàng hóa bán chạy đều bị làm nhái sản phẩm. Tình trạng này diễn ra phổ biến đến nỗi, tại TP.HCM có hẳn một tuyến đường (Điện Biên Phủ) bán hàng giả của Công ty Dệt Thắng Lợi, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử phạt!

Một ví dụ khác cũng cho thấy mức độ táo tợn của hàng giả, hàng nhái là tại Hội chợ Gò Quao diễn ra tại Kiên Giang vừa qua, ông Lý Thành Sinh vô tình phát hiện một gian hàng ghi biển hiệu Minh Long Hưng, nhưng bên trong không bán sản phẩm của Công ty Minh Long Hưng. Ông Sinh lập tức có văn bản kiến nghị gửi cơ quan quản lý thị trường thị trấn Gò Quao và các cơ quan chức năng khác, nhưng các đơn vị này… đều làm ngơ.

“Để đối phó, Công ty chỉ có cách là liên tục tạo ra sản phẩm mới khác biệt, đồng thời giữ vững chất lượng, giá cả. Năm 2014, chúng tôi dự kiến tung ra 3 dòng sản phẩm mới, với những mã hàng hóa khác nhau”, ông Sinh cho biết.

Tương tự, sau một thời gian có công văn gửi cơ quan chức năng mà không xử được nạn hàng giả, Công ty Giày Vĩnh Thịnh cũng phải “tự xử” bằng cách luôn ra mẫu mã mới. Việc làm này, tuy phần nào cũng hạn chế được tình trạng làm giả, làm nhái mẫu mã cũ, song cũng vì vậy mà doanh nghiệp không thể tập trung hoàn toàn cho việc sản xuất, nên khó mở rộng sản xuất.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thừa nhận, tình trạng làm giả, làm nhái tràn lan khiến các doanh nghiệp “nhụt chí” trong việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó kiện các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, một phần là do những bất cập trong quy định hiện hành. Theo đó, doanh nghiệp muốn khởi kiện ra tòa, thì phải chứng minh được thiệt hại thực tế. Đó cũng là lý do mà Công ty TNHH Minh Long Hưng không thể đưa ra được con số thiệt hại cụ thể.

Mặt khác, hiện tại, doanh nghiệp muốn liên hệ với cơ quan chức năng thì không biết liên hệ với cơ quan nào. Nếu liên hệ với Sở Công thương, thì cũng không biết cần gặp ai, bởi hiện chưa có bộ phận nào đảm trách việc xác nhận hàng giả, hàng nhái. Rồi thời gian đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp mất khá nhiều thời gian (thường phải qua một vòng đời sản phẩm), mà khi doanh nghiệp chưa kịp đăng ký bảo hộ thương hiệu, thì hàng đã bị làm nhái.

Do vậy, để giải bài toán này, theo ông Hưng, đã đến lúc, cần có cuộc vận động trên phạm vi toàn xã hội, tương tự như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, hai doanh nghiệp là Microsoft Việt Nam và Lạc Việt đã khởi kiện Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Đồng Nai) ra Tòa án tỉnh Đồng Nai, do doanh nghiệp này dùng phần mềm của Microsoft và Lạc Việt bất hợp pháp. Chỉ sau hơn 2 tháng, sau khi Tòa án Đồng Nai chính thức thụ lý vụ kiện, cả hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải. Long John Đồng Nai đã cam kết thực hiện mọi yêu cầu đặt ra từ Microsoft và Lạc Việt, bao gồm việc công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm (khoảng hơn 1 tỷ đồng). Long John Đồng Nai cũng thừa nhận rằng, hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm của Microsoft và Lạc Việt là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.       

Ví dụ trên cho thấy, nếu cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng quyết tâm làm tới cùng trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái, thì sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ tiếc là những trường hợp thành công như Microsoft Việt Nam và Lạc Việt hiện vẫn còn hiếm.

Tin bài liên quan