Xét về tỷ trọng, nợ xấu của Agribank không quá lớn, nhưng nếu nhìn số tuyệt đối thì không phải nhỏ, đặc biệt là nợ nhóm 4 và 5. Agribank có kế hoạch xử lý đặc biệt nào để giảm nợ xấu, thưa ông?
Vì nhiều lý do, nợ xấu của Agribank thời gian qua đã bùng phát và đây cũng là nguyên nhân cơ bản buộc Agribank phải triển khai đề án tái cơ cấu. Thời gian tái cơ cấu giai đoạn một đã gần kết thúc và kết quả thu được khả quan với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống ngưỡng chấp nhận được, dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Agribank không có kế hoạch xử lý đặc biệt, bởi để giải quyết vấn đề nợ xấu, cơ bản đều xoay quanh các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng nào cũng phải củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng hiện có và phát triển tín dụng mới, bán nợ cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), xử lý rủi ro bằng quỹ dự phòng...
Ông Trịnh Ngọc Khánh
Câu chuyện của Agribank là chủ động tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; vận dụng triệt để hành lang pháp lý cho phép; có kế hoạch và bước đi phù hợp, không nóng vội. Đặc biệt, làm rõ thực trạng các khoản nợ, nguyên nhân nợ xấu; có thái độ rõ ràng với từng khoản nợ và không giấu nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng để không làm nợ xấu phát sinh; trích đúng, đủ dự phòng xử lý rủi ro và sử dụng triệt để, có hiệu quả quỹ dự phòng đã trích.
Theo đó, đến 31/8/2015, nợ xấu toàn hệ thống Agribank là 2,81%, giảm hơn 50% về giá trị tuyệt đối, hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu xuống dưới 3% năm 2015 và tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Đó là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực hết sức mình của gần 40.000 cán bộ, nhân viên toàn hệ thống và cũng là minh chứng về sự lựa chọn đúng đắn trong kế hoạch xử lý nợ xấu của Agribank.
Việc bán nợ cho VAMC với rất nhiều khoản vay nhỏ lẻ khu vực nông nghiệp, nông thôn không phải là tài sản dễ bán, sẽ khó có hy vọng được xử lý dứt điểm. Điều này có nghĩa, 5 năm tới, Agribank có khả năng phải nhận lại các khoản nợ này. Ông đánh giá thế nào về thực tế trên?
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân là nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao cho Agribank.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cộng thêm yếu tố tự nhiên, biến đổi khí hậu, giá cả thị trường trong và ngoài nước đã tác động đến kinh tế nông nghiệp nói chung và đời sống của nông dân nói riêng, Agribank cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức khi đầu tư tín dụng cho lĩnh vực này. Việc thu hồi qua xử lý tài sản bảo đảm thông thường đã khó, đối với khoản vay nông nghiệp còn khó khăn hơn nhiều.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Agribank (là tổ chức tín dụng đang thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015) được thực hiện trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt bán nợ cho VAMC đối với các khoản nợ bán trong năm 2015 là 10 năm và trình Chính phủ xem xét phê duyệt thời hạn trích lập dự phòng 10 năm đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC từ các năm 2013, 2014.
Agribank đã, đang và sẽ tiếp tục các giải pháp đã triển khai, tăng cường các biện pháp xử lý nợ theo quy định của pháp luật phù hợp với từng thời điểm, để nỗ lực thu hồi nợ xấu trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt. Thực tế, chúng tôi thu được một số khoản vay đã bán cho VAMC.
Sau khi nợ xấu về dưới 3%, công tác thu hồi và xử lý nợ đã bán cho VAMC sẽ được quan tâm hơn, Agribank hy vọng, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, thì việc Agribank phải nhận lại các khoản nợ đã bán là không nhiều.
Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay cần được coi là quyền đương nhiên của bên cho vay
Về dài hạn, Agribank có chiến lược cụ thể nào để xử lý dứt điểm nợ xấu, thưa ông?
Sự tồn tại nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng là đương nhiên, không ai dám nói có thể xử lý dứt điểm, mà vấn đề là chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu ở mức nào để đảm bảo an toàn và kinh doanh có hiệu quả. Điều này càng đúng với Agribank, một tổ chức tín dụng nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, trong một lĩnh vực vô cùng khó khăn, nhiều rủi ro.
Do vậy, Agribank xác định phải bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; duy trì tăng trưởng dư nợ đầu tư cho nền kinh tế, trong đó đầu tư cho tam nông, cho các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu.
Đồng thời, tổ chức giám sát diễn biến nợ xấu từng ngày để kịp thời có biện pháp xử lý, kiểm soát ngay khi tiềm ẩn phát sinh nợ xấu. Tiếp tục cơ cấu lại bộ máy tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới, đặc biệt là hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại lao động, nhất là lao động trong công tác tín dụng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo xử lý nợ, thực hiện phân công phụ trách đến từng thành viên trong Hội đồng thành viên và Ban điều hành; giao nhiệm vụ thu hồi nợ xấu đến từng chi nhánh, từng cán bộ, gắn thu nhập với kết quả thực hiện; có thái độ thẳng thắn, nghiêm túc, kiên quyết với những hành vi cố ý vi phạm dẫn đến phát sinh nợ xấu; phối hợp đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đã triển khai và kịp thời đưa ra chỉ đạo hướng dẫn cho từng khoản vay lớn.
Tuy kết quả xử lý nợ thực tế còn phụ thuộc nhiều vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, nhưng chúng tôi tin tưởng, với những giải pháp, quyết tâm của toàn hệ thống, Agribank bảo đảm giữ được tỷ lệ nợ xấu trong mức an toàn theo quy định.
Có một vấn đề mà hầu hết các ngân hàng đều bị vướng đó là bất cập trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Ông có chia sẻ gì xung quanh câu chuyện này?
Những vướng mắc, bất cập trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay là vấn đề nan giải đối với Agribank cũng như các tổ chức tín dụng khác. Có xử lý được tài sản thế chấp hay không, sớm hay muộn, đắt hay rẻ, phụ thuộc rất nhiều vào người vay có tự nguyện trả nợ hay không. Phải dẫn nhau lên công đường, thú thực là việc cực chẳng đã. Hiện nay, một số tòa án cấp quận ở TP. Hà Nội, HCM thực sự quá tải với những đơn khởi kiện thu hồi nợ của Agribank.
Để đơn kiện được thụ lý, xét xử đến khi thi hành xong bản án, không thể nói bằng tháng hay quý, mà phải nói là hàng năm. Ngay cả trong các vụ án hình sự, với sự khắt khe về thời hạn điều tra, có chủ trương, chỉ đạo quyết liệt, nhưng việc xử lý tài sản thế chấp cũng không hề đơn giản, một vài năm mới kết thúc một vụ việc là chuyện bình thường. Nhiều trường hợp, vụ án được kết thúc cũng là lúc tài sản bảo đảm hết giá trị, xuống cấp, hư hỏng, không bán được...
Có những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật, như trình tự, thủ tục về thi hành án phức tạp, kể từ khi có đơn khởi kiện đến lúc có bản án có hiệu lực pháp luật và giai đoạn thi hành án là quá dài, không đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của các tổ chức tín dụng. Pháp luật về thi hành án dân sự chỉ quy định xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, mà chưa quy định cụ thể tài sản bảo lãnh, nên việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp bảo lãnh gặp nhiều khó khăn. Thứ tự xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh và hậu quả pháp lý khi đã xử lý hết tài sản bảo đảm cho khoản vay chưa được pháp luật về thi hành án dân sự quy định chi tiết.
Có những khó khăn xuất phát từ khâu tiếp nhận đơn khởi kiện, quá trình kiểm tra xác minh, quá trình xét xử, ngay cả trong việc ra bản án tưởng như đơn giản, nhưng cũng có bất cập. Việc tòa tuyên gộp các hợp đồng tín dụng với khoản phải thi hành án rất lớn, mà không phân định từng tài sản của từng chủ thể để đảm bảo khoản vay tối đa là bao nhiêu, dẫn đến việc xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn. Đối với trường hợp cho thuê, mượn tài sản là đất và nhà ở dưới hình thức chuyển nhượng, khi xét xử không có mặt người chuyển nhượng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, dẫn đến không ít bản án đã bị huỷ, hoặc khó khăn trong khi thi hành.
Một vấn đề khác là sự thiếu hợp tác, tìm mọi cách để né tránh, hoặc chống đối việc thi hành án chưa có biện pháp quyết liệt có hiệu quả để bản án được thi hành. Người bị thi hành án viện ra nhiều lý do để chống đối thi hành án như không nhận quyết định thi hành án, cản trở cơ quan thi hành án tiến hành xác minh tài sản để thi hành án, cản trở việc kê biên tài sản để thi hành án; khách hàng, bên bảo đảm cố tình không có mặt… Hệ quả là việc thi hành án bị kéo dài.
Từ những vướng mắc trên, Agribank có kiến nghị gì về mặt pháp lý để việc xử lý nợ xấu, cụ thể là xử lý tài sản bảo đảm, được diễn ra thuận lợi hơn?
Thời gian tới, thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý (nợ đã bán cho VAMC, nợ đã xử lý rủi ro) của các tổ chức tín dụng sẽ tăng lên cả về số lượng khoản vay cũng như giá trị tài sản phải thu hồi, nên rất cần sự nỗ lực, hợp tác của nhiều ngành với những thủ tục đơn giản và rút gọn hơn. Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay phải được coi là quyền đương nhiên, mặc định của bên cho vay, nếu việc thế chấp tài sản đã được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật quy định.
Trong tất cả các vụ án hình sự, dân sự, việc thu hồi tài sản cho ngân hàng (dù ai là chủ sở hữu) cũng cần phải có cơ chế ưu tiên nhất định, vì xét về bản chất, tiền cho vay là tiền huy động trong nhân dân; không thu hồi được nợ dễ dẫn đến mất khả năng chi trả cho người gửi tiền, gây nên hậu quả vô cùng lớn về mọi mặt mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm xử lý. Việc phải mua một số ngân hàng với giá 0 đồng vừa qua là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân có tiền gửi khi các ngân hàng thua lỗ không thu hồi được nợ cho vay.
Với tinh thần đó, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều phải có sự quan tâm chỉ đạo tổng kết, đánh giá những vấn đề đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cả về luật lệ, cơ chế nội bộ thuộc trách nhiệm của ngành mình để tập trung hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ vay vì quyền lợi của người gửi tiền, vì kỷ cương của pháp luật và nền kinh tế đất nước, chứ không vì riêng ngành ngân hàng. Đương nhiên, đối với những trường hợp chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ, tẩu tán tài sản bảo đảm tiền vay thì phải bị xử lý kịp thời và nghiêm khắc.