TS.Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn TP Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (Ảnh: M.Minh)

TS.Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn TP Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (Ảnh: M.Minh)

"Cần có chương trình quốc gia nâng cấp doanh nghiệp Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng khu vực kinh tế tư nhân đang bị suy yếu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt nam (VIAC) - ông Vũ Tiến Lộc đề nghị gấp rút có một chương trình quốc gia để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, song song với chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với nội dung "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ban Kinh tế trung ương tổ chức hôm 19/9/2023, các ý kiến đều cho rằng kinh tế Việt Nam đang gặp những thách thức rất lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, trong đó có vấn đề khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.

Sau khi khép lại Diễn đàn, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) xung quanh câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và rời khỏi thị trường lên tới 124.700 doanh nghiệp; tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Đứng trước khó khăn của nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức. Có thể nói rằng khu vực này đang bị suy yếu.

Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân về mặt số lượng nhưng lại chưa có các chương trình mang tầm quốc gia và sự “yểm trợ” cần thiết để nâng cao chất lượng cho khu vực này.

Do đó, chúng ta cần gấp rút xây dựng một chương trình quốc gia để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế.

Việt Nam chưa có chương trình cấp quốc gia và sự "yểm trợ" cần thiết để nâng cao chất lượng doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc

Tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội 2023 diễn ra hôm 19/9, ông đã phát biểu rằng hiện Việt Nam có khoảng 6 triệu chủ thể kinh doanh, vậy chương trình quốc gia đó cần làm gì để nâng cấp những chủ thể này, thưa ông?

Thực tế, chúng ta đã cố gắng tạo ra một lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo khoảng 6 triệu chủ thể trong nền kinh tế. Nhưng có thể nói rằng, chất lượng khu vực này vẫn còn thấp.

Trong điều kiện bình thường, khu vực doanh nghiệp này cũng không đủ sức tham gia vào quá trình hiện đại hoá để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới thì sức cạnh tranh của khu vực này càng bị suy giảm.

Theo tôi, Chương trình quốc gia nâng cấp doanh nghiệp này phải toàn diện và bao trùm, cụ thể là hỗ trợ về đào tạo, nâng cao trình độ quản trị; hỗ trợ tìm kiếm thị trường; đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn lực cũng như các chuỗi cung ứng...

Chỉ bằng cách nâng cấp cho các doanh nghiệp thì mới có thể tạo điều kiện để họ kết nối được với các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế.

Chúng ta đang hoạt động trong thị trường toàn cầu, môi trường mạng, kinh tế số. Cho nên, không một doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài sự cạnh tranh khốc liệt đó. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sẽ trở thành yêu cầu rất quan trọng.

Đây chính là nội dung "nâng cao năng lực nội sinh" được đề cập Diễn đàn Kinh tế Xã hội 2023 vừa diễn ra. Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế cũng chính là nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp.

Tôi cũng lưu ý thêm rằng, bên cạnh các doanh nghiệp lớn, chúng ta cần phải chú ý đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP, tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất, có ảnh hưởng đến xã hội lớn nhất.

Trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thì kinh tế hộ gia đình là đối tượng siêu nhỏ, rất dễ bị tác động và tổn thương. Như thông tin ông cung cấp tại Diễn đàn thì trong số 6 triệu chủ thể kinh tế, chỉ có 900 nghìn doanh nghiệp nhưng có tới gần 5,2 triệu hộ kinh doanh. Vậy phải làm thế nào để "nâng cao năng lực nội sinh" cho nhóm này?

Khu vực kinh tế hộ gia đình giữ một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho nền kinh tế, đóng góp tới 30% GDP; trong khi, khu vực doanh nghiệp chỉ đóng góp hơn 10%.

Mặc dù dễ bị tổn thương nhưng đây là khu vực có khả năng linh hoạt, bảo đảm cho nền kinh tế ổn định trong những bối cảnh khó khăn.

Ở các nước, khu vực hộ kinh doanh được xếp vào các chủ thể kinh doanh và là các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Họ có chính sách bao phủ để hỗ trợ cho khu vực này.

Do đó, tôi đề nghị chính sách của chúng ta không được bỏ qua hộ gia đình, cần coi hộ kinh doanh, hộ gia đình là đối tượng trọng tâm của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng suất của khu vực này.

"Cần coi hộ kinh doanh, hộ gia đình là đối tượng trọng tâm của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp".

TS. Vũ Tiến Lộc

Bởi vì, muốn nâng cao năng suất nền kinh tế thì phải cải thiện năng suất trong mọi khu vực.

Đặc biệt, nếu như các doanh nghiệp có thể có nguồn lực, điều kiện nâng cao trình độ thì các hộ kinh doanh gia đình ít có điều kiện hơn. Do vậy, rất cần có sự “yểm trợ” từ Nhà nước và xã hội để hộ kinh doanh phát triển, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào GDP, và sau đó lớn lên thành những doanh nghiệp vừa và lớn.

Ông có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì để nâng cao năng lực nội sinh cho các khu vực kinh tế của Việt Nam?

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện thể chế, vì thể chế đóng vai trò rất quan trọng cho bước phát triển mới của doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian vừa qua, chúng ta đã nói nhiều đến việc chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật, nói nhiều đến sự thiếu minh bạch trong thể chế kinh doanh, nói nhiều đến điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh…; giờ là lúc cần quyết liệt giải quyết vấn đề này.

Thứ hai, Trong bối cảnh cần thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh doanh mới, cần phải có thêm sự thử nghiệm đột phá về thể chế để thích hợp với môi trường đổi mới sáng tạo trong kinh tế số.

Hiện chúng ta rất chậm trễ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng này. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh doanh mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thứ ba, như tôi vừa đề cập, cần có chương trình quốc gia về nâng cấp và phát triển doanh nghiệp, song song với chương trình quốc gia tăng năng suất lao động, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, đối với quá trình hoàn thiện pháp luật, hiện nay Quốc hội đang đưa ra bàn thảo những luật quan trọng liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi mong rằng, Quốc hội, Chính phủ sẽ có những nỗ lực trong thời gian tới để tiếp tục cải cách thể chế nhằm tạo ra bước đột phá theo yêu cầu của Nghị quyết trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng về tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội 2023

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội 2023

Trước đó, tại Phiên họp toàn thể - trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra chiều 19/9, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong 30 năm qua, việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động đã đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình.

Hiện tại chúng ta vẫn đang tập trung vào hai yếu tố chính này, coi đó là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của đất nước. Thậm chí, nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho quá trình đổi mới.

Vị chuyên gia dự báo, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng.

Việc cần làm là nâng cao năng lực nội sinh trong quá trình cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI.

Tin bài liên quan