Cần cơ chế phối hợp trách nhiệm trong xử lý 12 dự án thua lỗ

Cần cơ chế phối hợp trách nhiệm trong xử lý 12 dự án thua lỗ

(ĐTCK) Việc chuyển giao trách nhiệm đầu mối xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trong bối cảnh cơ quan này vẫn đang hoàn thiện tổ chức đặt ra câu hỏi lớn về tính khả thi. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trò chuyên với ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, CIEM về câu chuyện này.

Ông đánh giá thế nào về việc chuyển đầu mối xử lý 12 dự án thua lỗ về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước? Hiện việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban cơ bản đã hoàn thành, liệu các dự án thuộc doanh nghiệp quản lý đã về Uỷ ban?

Thứ nhất, phải hiểu là dự án của doanh nghiệp, chứ không phải của Uỷ ban. Thứ hai là phải xem bàn giao cái gì, dự án dù có hay không chuyển giao thì hiện vẫn là của doanh nghiệp, song vì còn tính trách nhiệm từ trước của cơ quan quản lý chuyên ngành nên việc chuyển giao đặt ra câu chuyện về trách nhiệm và đầu mối xử lý các công việc liên quan đến nhà nước đối với các dự án, chuyển trách nhiệm xử lý và phối hợp. 

Bộ quản lý chuyên ngành đã không giải quyết được 12 dự án này, vậy chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước liệu có khả thi trong khi bản thân cơ cấu bộ máy nhân sự của cơ quan này còn chưa hoàn thiện?

Đây là vấn đề chuyển giao trách nhiệm làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan có liên quan trong xử lý các vướng mắc và tồn tại. Ngay cả trước khi chuyển giao thì Bộ Công thương cũng chỉ là đầu mối, chứ không thể giải quyết thay công việc của các ngân hàng và các cơ quan khác. Còn về vấn đề cơ cấu bộ máy của Ủy ban, vì còn thiếu nhân sự nên cần có sự hỗ trợ phối hợp của cơ quan chuyên ngành để Uỷ ban thực thi được nhiệm vụ.

Chắc chắn việc chuyển giao sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Ủy ban vì trước mắt công việc còn quá lớn. Hiện đã có một Ban chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo công tác xử lý vướng mắc thì Ban chỉ đạo vẫn phải tiếp tục công việc này. Còn Uỷ ban chỉ có thể làm đầu mối, đóng vai trò chủ trì, tiếp nhận xử lý báo cáo công việc với các cơ quan liên quan, chứ không thể đảm nhiệm hoàn toàn trách nhiệm xử lý. 

Vậy những vướng mắc của 12 dự án này theo ông sẽ xử lý thế nào? Liệu việc chuyển đầu mối trong khi vẫn phải có cơ chế phối hợp có làm rối rắm thêm, còn bộ chuyên ngành thì lại có cớ để thoái thác trách nhiệm?

Những khúc mắc này vẫn còn và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước sinh ra không phải là để giải quyết những khúc mắc đó vì đã diễn ra từ trước khi có Uỷ ban. Vì vậy, vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo và vai trò của Chính phủ vẫn rất lớn.

Đối với việc xử lý các vướng mắc, về nguyên tắc, cần xử lý triệt để trước khi chuyển giao, song trong bối cảnh này, không thể dồn hết trách nhiệm cho một bộ, ngành hoặc nói là việc này do bộ nào phải chịu trách nhiệm, quan trọng là cần có sự phối hợp tiếp tục như hiện nay. Không thể nói là chuyển giao rồi thì Bộ Công thương bỏ hết trách nhiệm đi để chuyển sang Uỷ ban và ngược lại. 

Một số dự án hiện đang rất khó khăn, khi chuyển giao đầu mối xử lý về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước thì việc điều phối kinh doanh, xử lý các khoản nợ Ủy ban có chịu trách nhiệm?

Các vấn đề này về nguyên tắc thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ không thuộc chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu. Do đó, để xử lý được thì phải phân loại được các vướng mắc của dự án là gì, có dự án do sản xuất - kinh doanh, có dự án do vướng mắc từ chính cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước để có phương án tháo gỡ.

Nếu không phân loại và xác định được thì vẫn còn nhùng nhằng. Nếu vướng mắc xuất phát từ bản thân dự án do thị trường, kinh doanh thì do trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Còn vướng mắc do chính cơ quan nhà nước thì phải thẩm định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước đã rồi mới chuyển giao. 

Bản thân các doanh nghiệp vẫn đang kêu vướng cơ chế nên có dự án rơi vào bế tắc, vậy theo ông nên xử lý thế nào?

Họ đang muốn được trợ giúp, song về nguyên tắc, nhà nước không bỏ tiền ra thêm, thậm chí có thể mạnh dạn cho giải thể phá sản một số doanh nghiệp nếu không thể khắc phục được, vì càng khắc phục thì càng tốn tiền nhà nước hơn. Vì vậy, cần có sự phân loại rõ ràng vì có dự án không vướng do cơ chế mà do thị trường thì khi thị trường phục hồi, cơ hội cho doanh nghiệp vẫn có. Song có những loại dự án rất khó khắc phục. Với dự án kiểu này, nếu không thể cứu được thì nên xem xét cho giải thể, phá sản để giảm thiểu tổn thất.

Về mặt thể chế, nguyên tắc chung là nếu có đủ cơ sở xác định không thể phục hồi thì có thể mạnh dạn cho doanh nghiệp phá sản để tránh thiệt hại thêm. 

Việc chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đến nay được gần 6 tháng, ông nhìn nhận thế nào về bước đầu quá trình chuyển giao? Việc nhận thêm đầu mối xử lý 12 dự án có thêm gánh nặng quá sức cho Uỷ ban không?

Ủy ban nhận bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về trong bối cảnh mới thành lập và đang hoàn thiện bộ máy nên thực sự còn nhiều khó khăn. Có một số chức năng, nhiệm vụ chủ sở hữu mà trước đây các bộ vẫn làm thì khi chuyển về Ủy ban đang có một số vướng mắc nhất định. Chẳng hạn, do còn hạn chế, đặc biệt trong những việc lớn như phê duyệt thẩm định quyết định các dự án đầu tư lớn, thậm chí có dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng thì rõ ràng không thể đơn giản với bộ máy 50 con người hiện nay của Uỷ ban có thể làm được.

Đánh giá một cách thực tế, sau khi các doanh nghiệp nhà nước chuyển giao về Ủy ban thì đến nay, các doanh nghiệp chưa có dự án đầu tư lớn đạt tiến độ. Ví dụ như dự án sân bay Long Thành đòi hỏi phải có bộ máy giám sát đánh giá rất lớn, Ủy ban chưa thể đảm nhiệm được việc này. Hy vọng, thời gian tới, với sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành sẽ có thể làm tốt hơn.

Việc tiếp nhận đầu mối xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương chắc chắn là một trong những trọng trách nặng nề của Uỷ ban. Tuy nhiên, công bằng mà nói, không nên coi vì dự án khó khăn là lý do để chậm trễ trong việc hoàn thiện bộ máy chuyên môn và năng lực. 12 dự án này thực tế chỉ là một phần của các dự án trên cả nước.

Vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề lớn của các dự án, công trình khác lớn hơn của doanh nghiệp nhà nước, nếu Ủy ban không có sự chuẩn bị tốt về nhân sự, năng lực chuyên môn, hay thiếu kiểm soát thì nguy cơ và rủi ro tương lai còn lớn hơn.

Bỏ thêm tiền vào các dự án để gia cố thêm rồi thoái vốn là không khả thi

Pgs.Ts. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Tôi chưa rõ là sau khi chuyển giao đầu mối về Ủy ban thì họ sẽ làm gì với các dự án để tiến triển hơn, tuy nhiên nguyên tắc đầu tiên là không bỏ thêm tiền vào các dự án này để gia cố thêm rồi thoái vốn vì không khả thi. Đừng nghĩ rằng nhà nước làm tốt hơn tư nhân, nếu doanh nghiệp tư nhân mua lại dự án đó thì họ sẽ làm tốt hơn là việc nhà nước bỏ thêm tiền ra khôi phục rồi bán ra thị trường. 

Thà rằng bán giá rẻ rồi thu lại được chừng nào tốt chừng ấy còn hơn cố bồi đắp có khi còn thiệt hại thêm. 

Thách thức lớn cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR

Việc chuyển giao đầu mối có thể coi là động thái thể hiện sắp xếp lại việc quản lý tài sản của nhà nước thành vai trò của siêu Ủy ban. Hay nói cách khác là có cớ để đưa các doanh nghiệp yếu nhất gom về một chỗ. Điều này ở góc độ nào đó cũng tương tự như mô hình công ty mua nợ xấu VAMC, gom nợ xấu tập trung về một mối để xử lý. 12 dự án này cũng như là nợ xấu, tài sản xấu của nền kinh tế, thậm chí một số dự án dù có muốn gia cố, bồi đắp thêm để bán thoái vốn thì có khi mất thêm tiền mà vẫn không gia cố được. 

Tôi cho rằng, đây là thách thức lớn cho Ủy ban trong việc xử lý. Về lâu dài, phải có nơi quản lý toàn bộ tài sản nhà nước, tuy nhiên có làm được không lại là chuyện khác vì còn có thể có nhiều yếu tố chi phối như còn bị lợi ích của các bộ ngành chặn lại. Thực tế mà nói, để đánh giá thành công của Uỷ ban thì có lẽ không hẳn là phải nỗ lực làm doanh nghiệp hay dự án chuyển giao về tốt hơn, vì việc này khó khả thi trong điều kiện hạn chế của Ủy ban hiện nay. Quan trọng là khi đưa tài sản về Ủy ban làm thế nào phải bán được tốt hơn là để tự doanh nghiệp bán thoái vốn.

Tin bài liên quan