Tất cả các chủ xe đều phải đóng bảo hiểm xe cơ giới

Tất cả các chủ xe đều phải đóng bảo hiểm xe cơ giới

Cần cơ chế mới cho quỹ bảo hiểm xe cơ giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới sau 15 năm vận hành đang đặt ra một số vấn đề cần cải thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc trích lập và số tiền tồn dư quỹ ra sao?

Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới do các công ty bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đóng góp hàng năm và được Bộ Tài chính giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) quản lý kể từ năm 2009.

Quỹ này được trích lập, quản lý, sử dụng theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, quỹ được hình thành từ nguồn chính là đóng góp của các công ty bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thu từ lãi tiền gửi.

Cụ thể, công ty bảo hiểm có trách nhiệm trích tối đa 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề để đóng vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Trước ngày 30/4 hàng năm, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định tỷ lệ đóng góp vào quỹ, sau đó thông báo cho các công ty bảo hiểm và Bộ Tài chính.

Theo IAV, năm 2023, doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng. Giới phân tích tính toán, nếu trích lập tối đa 1%/năm, dựa vào doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt được của năm 2023 (mỗi năm trung bình trích lập tối đa khoảng 40 tỷ đồng), thì sau 15 năm tổng số tiền trích lập rơi vào khoảng 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Hoàng Thị Yên - Trưởng Văn phòng Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới cho biết, trong 15 năm qua, có những thời điểm khó khăn của nền kinh tế như đại dịch Covid-19 nên quỹ không trích lập trong 3 năm liền. Ngoài ra, khi quỹ còn tồn dư ở mức đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nên có thời điểm chỉ trích lập ở mức 0,65%/năm, chứ không phải tối đa 1%/năm.

Cũng theo bà Yên, tổng thu quỹ này năm 2024 là gần 120 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi theo kế hoạch năm (chi dự phòng hạn chế tổn thất 44,9 tỷ đồng; tuyên truyền giáo dục 14,7 tỷ đồng…), quỹ còn tồn dư gần 75 tỷ đồng. Quỹ cũng có đơn vị kiểm toán nội bộ và đơn vị kiểm toán độc lập. Hiện đơn vị kiểm toán độc lập cho quỹ là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC. Quỹ đang được gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.

Cơ chế công bố thông tin có cần bổ sung?

Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được lập để chi hỗ trợ nhân đạo; đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…

Hàng năm, thông tin Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới cùng các cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện triển khai một số công trình đề phòng, hạn chế tổn thất do tai nạn giao thông, chi trả nhân đạo… cũng được công bố nhưng còn nhỏ giọt và con số tồn dư quỹ cũng ít được đề cập tới. Năm 2023, quỹ chi khoảng gần 2 tỷ đồng cho hỗ trợ nhân đạo.

Theo luật sư Phạm Thị Giang - Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt, việc quy định hiện hành không yêu cầu công khai quỹ rộng rãi, mà chỉ phải báo cáo Bộ Tài chính, là một kẽ hở. Được biết, cách đây vài năm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) từng đề nghị đăng báo cáo về quỹ này lên website của IAV, nhưng sau khi đăng tải nhận được phản hồi thiếu tích cực từ các chuyên gia nên không còn tiếp tục duy trì.

Có ý kiến cho rằng, về bản chất, nguồn quỹ này là từ tiền phí của người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mà ra và đây lại là loại hình bảo hiểm mang tính bắt buộc (tất cả người dân là chủ xe đều phải đóng) nên ngay cả khi không quy định thì vẫn nên công khai đầy đủ, rõ ràng thông tin về quỹ.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Bộ Tài chính cần công bố rộng rãi cho người tham gia bảo hiểm cũng như người dân được biết về quỹ bảo hiểm xe cơ giới, chứ không chỉ dừng ở việc chia sẻ thông tin ở cấp nội bộ (chỉ Bộ Tài chính, IAV và công ty bảo hiểm mới biết). Bởi quỹ càng minh bạch thì người tham gia bảo hiểm càng an tâm, bớt thờ ơ với sản phẩm bảo hiểm này.

Nhìn sang lĩnh vực bảo hiểm xã hội do cơ quan Bảo hiểm xã hội quản lý, hàng năm đều công khai tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ này đạt gần 60.000 tỷ đồng.

Một số quốc gia như Mỹ không có quỹ bảo hiểm xe cơ giới như Việt Nam. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến giao thông là do cơ quan công chánh thực hiện. Các công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm chăm lo khách hàng. Hầu hết các nước phát triển đều có quỹ bảo vệ nạn nhân của các vụ tai nạn xe cơ giới, nhưng không phải nước nào cũng trích quỹ từ phí bảo hiểm (không trích tiền phí bảo hiểm để đóng quỹ).

Đề xuất dừng đóng quỹ, nên hay không?

Trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải trích lập các quỹ theo quy định như quỹ bảo hiểm xe cơ giới, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, quỹ dự trữ bảo hiểm (bao gồm quỹ dự trữ bắt buộc và quỹ dự trữ khác)…

Tuy nhiên, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Điều 98), Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đã dừng trích nộp từ ngày 1/1/2023 sau 12 năm tồn dư 1.000 tỷ đồng và chưa phải sử dụng lần nào.

Lý do dừng trích nộp là bởi trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của công ty bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi công ty bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản… nên cần thiết phải có cơ chế bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Mặt khác, bên cạnh quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, ngành bảo hiểm còn có quỹ dự trữ bắt buộc cũng với mục đích nhằm bảo đảm trách nhiệm của công ty bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả công ty bảo hiểm lẫn người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Quay trở lại với Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới, trước thực tế hiện nay, một số chủ xe cơ giới như anh Nguyễn Ngọc Tuấn (ngụ tại Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, cơ quan quản lý có thể xem xét dừng đóng quỹ để chờ bổ sung quy định, cũng là cách giúp giảm bớt áp lực cho công ty bảo hiểm, đồng nghĩa với việc giảm phí bảo hiểm bắt buộc cho chủ xe.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Thị Thu Hà - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, bộ phận giám sát tài chính của Quốc hội/Chính phủ có thể kiểm tra tình hình hoạt động của quỹ để có căn cứ đánh giá, xem xét.

Trong khi đó, đại diện của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới cho hay, quỹ này đang hoạt động bình thường, tài trợ đều đặn cho các hạng mục công trình giao thông, do đó không nên dừng đóng như Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm (chưa phải sử dụng lần nào). Các địa phương sau khi được tài trợ cũng đánh giá là hiệu quả, giúp giảm bớt các vụ va chạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

“Trong báo cáo mới đây, UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn huyện đã giảm hẳn”, bà Hoàng Thị Yên cho hay.

Liên quan tới Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, theo Thông tư 101/2013/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, Ban điều hành Quỹ phải có trách nhiệm công bố công khai việc chi trả cho người được bảo hiểm trên các báo hàng ngày (ít nhất trên 1 tờ báo Trung ương hoặc 1 tờ báo địa phương) trong 3 số liên tiếp, đồng thời niêm yết danh sách các đối tượng được chi trả tại công ty bảo hiểm và trang thông tin điện tử của IAV. Tuy nhiên, hiện tại, quy định trên đã hết hiệu lực, nên theo luật sư Phạm Thị Giang, Bộ Tài chính cần ban hành thông tư mới hướng dẫn chi tiết vấn đề này.

Tương tự, bà Giang cho rằng, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới cũng cần có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về việc tổ chức điều hành, quản lý quỹ, quá trình trích nộp, sử dụng quỹ, thống kê, báo cáo các khoản thu chi của quỹ định kỳ…

Tin bài liên quan