Cần cơ chế hỗ trợ, cung cấp vốn cho kinh tế tư nhân

(ĐTCK) Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Grant Thornton Việt Nam cho rằng, khối DN tư nhân đang thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng nên khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. 
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà

Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà

Tuy nhiên, sức khỏe của khối DN này khá tốt, có sự tiến bộ trong công tác quản trị, minh bạch thông tin. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ, cung cấp vốn cho các DN, nhất là DN khởi nghiệp. 

Các DN đang khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo bà, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Lý do chính khiến các ngân hàng không sẵn sàng, hay không thể cho các DN tư nhân vay vốn là do các DN thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng. Hầu hết DN có quy mô nhỏ, hiệu suất lợi nhuận thấp, không có tài sản giá trị lớn để thế chấp cho khoản vay. Trong khi đó, thông tin tài chính chưa được minh bạch khiến DN không chứng minh được thực trạng, khả năng tài chính và năng lực tín nhiệm để trả nợ vay.

Để vay được vốn, các DN cần xây dựng được phương án vay vốn khả thi, chứng minh được các dòng tiền tích cực trong quá khứ cũng như doanh thu dự kiến và tiềm năng phát triển trong tương lai của DN, nhằm tạo được sự tin tưởng đối với các tổ chức tín dụng.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ cung cấp vốn dành cho các DN khởi nghiệp. 

Đánh giá của bà về sức khỏe của khối DN tư nhân Việt Nam như thế nào?

Khối DN tư nhân Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể, các DN bắt đầu hiểu được nhu cầu phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường quản trị DN và minh bạch khi tìm kiếm, thu hút NĐT bên ngoài và đối tác chiến lược. Chúng tôi nhận định, sức khỏe của khối DN tư nhân hiện nay khá tốt. Tuy vậy, có nhiều vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là khả năng tiếp cận vốn. Quản trị DN nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, dẫn đến DN gặp khó khăn trong việc tạo niềm tin với NĐT và các tổ chức tín dụng. 

Những khó khăn mà các DN đang phải đối mặt là gì?

Nhiều công ty tư nhân đã phá sản, nhưng điều này cũng xảy ra trên khắp thế giới và trong nhiều trường hợp thì nguyên nhân rất giống nhau. Theo ghi nhận trong khảo sát đầu tư tư nhân của chúng tôi, các DN vừa và nhỏ nội địa ít nhận thức được lợi ích của sự cải thiện kỹ năng quản lý và tầm quan trọng của tính minh bạch tài chính DN. Bên cạnh đó, quản trị DN còn yếu, dẫn đến tình trạng thiếu tuân thủ các quy định.

Khá dễ dàng để khởi đầu một DN, nhưng để DN phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, DN cần có đội ngũ quản lý tốt, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và quản trị DN hiệu quả. Tuy nhiên, những yếu tố này thường thiếu ở các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Thêm vào đó là khó khăn khi tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng để mở rộng sản xuất - kinh doanh. 

Giải pháp nào giúp các DN vượt qua khó khăn trên, theo bà?

Như đã đề cập, điều quan trọng nhất cho các DN tư nhân Việt Nam là có được đội ngũ quản lý và lãnh đạo tốt, minh bạch, kế hoạch kinh doanh vững chắc. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn dài hạn phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Khi đó, cùng với một hệ thống tài chính và báo cáo quản trị tốt, các DN sẽ đạt được thành công lớn hơn.

Trong báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, nhằm gợi ý các bước đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập kỷ tới, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khối DN tư nhân. Báo cáo cho rằng, Việt Nam cần xây dựng khu vực này với khả năng cạnh tranh cao. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối DN tư nhân được xác định là 1 trong 3 trụ cột quan trọng giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới, với mục tiêu đến năm 2020, kinh tế tư nhân đóng góp tối thiểu 80% GDP. 

Theo bà, DN tư nhân trong lĩnh vực, ngành nghề nào được các NĐT nước ngoài quan tâm nhiều nhất?

Theo báo cáo đầu tư tư nhân của chúng tôi thực hiện vào đầu năm 2016, mức độ quan tâm tới đầu tư tư nhân của các NĐT nước ngoài tại Việt Nam đang và sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống được xem là hai ngành hấp dẫn nhất, theo sau là y tế và dược phẩm, kho vận, sản xuất, nông nghiệp. 

Vậy hoạt động M&A trong khối DN tư nhân liệu có tăng trong năm 2016?

Với sự gia tăng mức độ quan tâm của NĐT nước ngoài vào khối DN tư nhân, chúng tôi cho rằng, sẽ có làn sóng M&A trong năm 2016. Tuy nhiên, trong báo cáo đầu tư tư nhân Việt Nam 2016 của chúng tôi, kết quả khảo sát cho thấy, quản trị DN và tính minh bạch là hai quan ngại lớn nhất đối với NĐT nước ngoài khi xem xét đầu tư vào khối DN tư nhân. Bên cạnh đó là trình độ, khả năng quản lý, tính bền vững, hệ thống sổ sách kế toán tài chính và báo cáo quản trị.

Tin bài liên quan