Nguồn vốn cho M&A: Cơ hội đi cùng thách thức
Tại sự kiện M&A do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần trước, ông Trương An Dương, Giám đốc Khối Bất động sản nhà ở, Công ty Fraser Property Vietnam đã chia sẻ về lợi thế của “người có khả năng tài chính”. Ông Dương cho hay, tính đến tháng 9/2021, Fraser nắm giữ khoảng 40 tỷ USD tài sản bất động sản, trong đó có 10 tỷ USD giá trị các khu công nghiệp, hậu cần từ châu Âu đến châu Á…
“Đây là thế mạnh, là chuỗi giá trị của Fraser trên thế giới”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Dương cho biết, Fraser vào Việt Nam khá sớm, nhưng một thời gian không thực sự hoạt động cho đến 3 năm trước và tính đến nay, Fraser đã phát triển 1 dự án khu dân cư cao cấp tại Thảo Điền (TP.HCM), 2 tòa nhà văn phòng (ở TP.HCM và Hà Nội), 1 khu thương mại và 1 khu công nghiệp ở Bình Dương.
“Ở thời điểm này, để chốt một thương vụ M&A khu công nghiệp tại Việt Nam là không dễ dàng khi giá đất công nghiệp đã tăng cao, song Fraser vẫn thực hiện thành công nhờ nguồn lực tài chính mạnh mẽ”, ông Dương nói.
Còn ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup cho biết, trong những năm gần đây, sự hiện diện của Novaland trên thị trường M&A nhiều hơn, nhưng thực tế, sự phát triển của Công ty đã gắn liền với thị trường M&A từ rất lâu. Hiện tại, chỉ khoảng 10-20% quỹ đất hiện hữu là do Novaland tự phát triển (đền bù đất, xin dự án…), còn lại 80-90% đến từ hoạt động M&A các dự án bất động sản và một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công là nguồn vốn dồi dào.
Theo ông Phiên, nguồn vốn tài trợ đến từ trong nước cơ bản là chưa đủ để doanh nghiệp đạt được mục tiêu cuối cùng trong tiến trình M&A, nếu muốn làm được phải thực hiện theo một cấu trúc khác, thậm chí phải đi đường vòng.
Chẳng hạn, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có quy định hạn chế/giới hạn các TCTD cho khách hàng vay để mua cổ phần, cổ phiếu. Cụ thể, tại Điều 127 - Hạn chế cấp tín dụng, Khoản 2 đã nêu rõ, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 điều này không được vượt quá 5% vốn tự có của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Còn theo Điều 128 - Giới hạn cấp tín dụng, Khoản 1, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô…
“Đây là trở ngại lớn cho doanh nghiệp khi muốn M&A”, ông Phiên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phiên, câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp bán lẻ “nóng” lên trong 2 năm gần đây là bởi lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng kéo dài ở mức thấp 4-5%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn đáng kể ở mức 12-13%/năm, nên đã thu hút cá nhân có tiền nhàn rỗi tham gia.
“Đây là một trong những cách thức doanh nghiệp ‘lách’ quy định, sử dụng nguồn vốn này để thực hiện M&A thay cho việc vay vốn ngân hàng khi khả năng tiếp cận kênh truyền thống này bị hạn chế”, ông Phiên nói.
Tuy nhiên, hiện nay, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để phục vụ các mục đích như cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; tăng quy mô vốn hoạt động…
“Dẫu vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất sáng tạo, tôi cho rằng, họ sẽ nghĩ các phương thức khác và chúng ta sẽ đón chờ sản phẩm mới vì M&A là động lực không thể chối bỏ”, ông Phiên nói.
M&A sôi động giúp huy động vốn hiệu quả
Trong một diễn biến có liên quan, bà Thương Phạm, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Công ty BCG Energy, thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) cho biết, thị trường M&A sôi động sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn.
Bà Thương Phạm dẫn chứng thương vụ với đối tác Leader Energy đến từ Singapore được ký ngay thời điểm đỉnh dịch tháng 7/2021, giúp BCG Energy gọi vốn thành công 43,6 triệu USD, tương đương hơn 1.018 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo.
“Với nhiều dự án, nhu cầu vốn của Tập đoàn là rất lớn”, bà Thương Phạm cho hay.
Chia sẻ chiến lược huy động vốn tại BCG Energy nói riêng và Bamboo Capital nói chung, bà Thương Phạm cho biết, ngay khi lên kế hoạch M&A thì đã phải sẵn sàng về nguồn vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ trong nước chưa cạnh tranh, có chi phí cao, dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư... Để giải quyết vấn đề này, BCG Energy đã tích cực huy động nguồn vốn giá rẻ từ các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ, bên cạnh huy động vốn từ chính các thành viên Tập đoàn…
“Tuy nhiên, tất cả đều phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam cũng như nước sở tại của nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiến độ của dự án”, bà Thương Phạm nói.
Các chuyên gia đánh giá, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, số liệu của KPMG Việt Nam cho biết, thị trường M&A Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 khi đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khoảng 58% giá trị đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.
Trong giá trị 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước 10 tháng đầu năm 2021, có 1,13 tỷ USD (11 thương vụ) được thực hiện bởi các doanh nghiệp cổ phần như CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) chi khoảng 410 triệu USD mua cổ phần Vincomerce thông qua công ty con; Vinhomes (mã VHM) chi 4.554 tỷ đồng mua cổ phần tại CTCP Đại An; Thaco mua 100% vốn E-mart Việt Nam; Bamboo Capital chi hơn 900 tỷ đồng mua 81% vốn bảo hiểm AAA; Novaland cùng các thành viên NovaGroup, doanh nghiệp liên quan đã thực hiện nhiều thương vụ M&A từ đầu năm đến nay với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng…
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhấn mạnh: “Sự chuyển biến tích cực trong hoạt động M&A trong nước sẽ vẫn còn được duy trì đối với những doanh nghiệp này vì họ không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận”.