Blockchain là công nghệ ứng dụng chạy trên nền các công nghệ ứng dụng truyền thống khác.

Blockchain là công nghệ ứng dụng chạy trên nền các công nghệ ứng dụng truyền thống khác.

Cần chủ động đầu tư thử nghiệm blockchain lab

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là ý kiến của ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, bởi có như vậy chúng ta mới có thể đón đầu được làn sóng Fintech trong ngành tài chính toàn cầu. 

Blockchain là nền tảng để phát triển nhiều dịch vụ mới cho internet, trong đó có dịch vụ tài chính, nhưng dường như năm 2022, blockchain lại được nhắc tới nhiều ở lĩnh vực tiền ảo và tài sản ảo hơn là các ứng dụng cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ông nhận định gì về thực tế này?

Công bằng mà nói, tại Việt Nam, trước năm 2021, người ta không nói tới blockchain mà nói tới tiền ảo, vật phẩm ảo..., trong khi công nghệ này nghiêng về xu hướng ứng dụng các công nghệ blockchain doanh nghiệp như Hyperledger Fabric là blockchain không có token.

Thế rồi tới năm 2021 có sự giao thoa do bùng nổ của tiền rẻ mà các ngân hàng trung ương bơm ra, khiến thị trường lại hào hứng thái quá vào lợi nhuận của token, dẫn tới cuối năm 2021 có sự sụp đổ của hàng loạt quỹ đầu tư vào thị trường này kèm giá bitcoin rớt tới 70%. Tại Việt Nam, dư âm đó tạo ra một bức tranh đa chiều, bao gồm cả sự tích cực và tiêu cực trong ứng dụng công nghệ blockchain.

Sự sụp đổ của thị trường về giá trị là rõ ràng, nhưng nó đã đạt được một bước tiến quan trọng trong công nghệ, đặc biệt là khẳng định vai trò ứng dụng trong ngành tài chính - ngân hàng ở các hướng đi tích cực như tiền điện tử của ngân hàng trung ương, sàn giao dịch tài sản mã hoá, hệ thống thanh toán xuyên biên giới chi phí thấp, tính ổn định và bảo mật của hệ thống giao dịch chạy trên internet...

Trên thế giới, rõ ràng ứng dụng blockchain được xác định như một giải pháp doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong ngành tài chính đang được coi trọng. Theo báo cáo từ PwC, trong năm 2022, hơn 80% ngân hàng trung ương trên thế giới nghiên cứu ứng dụng blockchain vào tiền điện tử của mình.

Các ngân hàng như JPMorgan đã có ONYX blockchain và đang thử nghiệm công nghệ này cho việc thanh toán tài sản thế chấp vào tháng 5/2022, Standard Chartered và HSBC tham gia vào liên minh chuyên sử dụng blockchain để hỗ trợ tài chính thương mại…

Cụ thể hơn, ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực ngân hàng năm 2022 có thành tựu gì đáng chú ý?

Ảnh tác giả

Nhiều ngân hàng như HSBC, TPBank, Vietcombank... cho biết đã đầu tư nghiêm túc, đưa vào nghiên cứu thử nghiệm blockchain từ năm 2019.

Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Tại hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ngân hàng như HSBC, TPBank, Vietcombank... cho biết đã đầu tư nghiêm túc, đưa vào nghiên cứu thử nghiệm blockchain từ năm 2019 và đều có đánh giá đầy đủ cả khía cạnh tích cực lẫn điểm yếu của giải pháp công nghệ này. Tôi đánh giá rất cao kết luận của Vietcombank khi đề cập đến việc kỳ vọng blockchain giảm chi phí quản trị nhưng lại tăng chi phí ứng dụng vì ở quy mô hiện tại, các sản phẩm mới ở mức nghiên cứu.

Hay như tham luận của các ngân hàng nhìn thẳng vào vấn đề chữ ký số là một thủ tục hay sản phẩm công nghệ cũ đã là cản trở pháp lý đối với ứng dụng công nghệ chữ ký blockchain. Mặc dù công nghệ tốt, nhưng pháp lý chưa có để sử dụng.

Ngân hàng trung ương chắc chắn có kế hoạch nghiên cứu về tiền điện tử, nhưng hiện tại, ngành tài chính có nhiều cái cần làm trước khi tiền điện tử của ngân hàng trung ương được nghiên cứu, đó là chính sách tiền tệ như tỷ giá lãi suất, hệ thống dự trữ ngoại hối, các thông tin về M0, M1, M2..., hay hệ thống chuẩn hóa eKYC, ALM/CFT...

Tôi hy vọng những năm tới, các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… sẽ chủ động đầu tư thử nghiệm blockchain lab để đánh giá ứng dụng cho tổ chức mình. Tại các lab nghiên cứu này, có thể thử nghiệm 6/7 xu hướng ứng dụng trong tài chính mà Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu. Có như vậy, chúng ta mới có thể đón đầu được làn sóng Fintech trong ngành tài chính toàn cầu.

Nếu gắn với xu hướng số hóa hoạt động ngân hàng hiện nay thì blockchain đang và sẽ đóng vai trò gì trong tương lai?

Để tận dụng sức mạnh blockchain trong ngành ngân hàng, cần thiết phải có lộ trình và những bước đi chiến lược hiệu quả, thực tế.

Cụ thể là 3 hướng: Thứ nhất, cần cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ ngân hàng dưới góc nhìn ứng dụng blockchain thông qua cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch; thứ hai, xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm, nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain; thứ ba, ứng dụng các lợi thế của blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng.

Chỉ cần làm được 1 trong 3 hướng này đã là thành công.

Năm 2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được thành lập. Như vậy, một cộng đồng công nghệ đã được hình thành, ngoài lĩnh vực ngân hàng mà ông vừa đề cập, đâu là dư địa để các công ty blockchain có thể khai thác?

Khi các doanh nghiệp B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) chuyển sang thị trường kỹ thuật số, blockchain tạo ra sự tin tưởng và bảo mật cho người tiêu dùng, khách hàng, đối tác thương mại và kinh doanh. Trong chuyển đổi số, tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở này, ứng dụng blockchain vào quy trình vận hành doanh nghiệp góp phần thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động, đáng tin cậy và nhanh chóng.

Blockchain là công nghệ ứng dụng chạy trên nền các công nghệ ứng dụng truyền thống khác. Nó chỉ phát triển khi có các chuyên gia từng ngành nghề truyền thống đó dùng blockchain để khai thác, thúc đẩy ngành của mình. Những ngành đó tôi nghĩ sẽ là y tế, vận tải, giáo dục và đào tạo. Về lý thuyết, chúng tôi thấy ngành nào cũng có thể khai thác được, nhưng vẫn cần sự phản biện của các chuyên gia trong ngành ở từng sản phẩm ứng dụng thì mới có thể thành công.

Nói dễ hiểu hơn, các công ty blockchain có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực như chuỗi cung ứng, IoT, smart city… Bản chất phi tập trung của blockchain tạo ra sự minh bạch tối đa trong mọi giao dịch trong chuỗi cung ứng - từ việc thu mua nguyên liệu, sản xuất… đến phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Bằng cách này, sẽ có ít rủi ro hơn và khách hàng cuối cùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Song, điều đó có thực sự đem lại giá trị cho công ty đó hay không lại cần có sự phản biện của các công ty logistics.

Tóm lại, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tin rằng, sự phối hợp trao đổi chia sẻ thông tin của chúng tôi với các hiệp hội ngành nghề khác thông qua các thành viên là các doanh nghiệp hay các cơ quan quản lý, chúng ta sẽ cùng tìm ra những ứng dụng có giá trị cho nền kinh tế, xã hội.

Tin bài liên quan